Nơi người cao tuổi đam mê nghề mây tre đan
Vì Người cao tuổi 13/02/2023 14:40
Từ năm 2015 đến nay, NCT xã Minh Tân đã chọn 2 nơi để học nghề mây tre đan và tìm công ăn việc làm, đó là cơ sở của gia đình bà Trần Thị Hoài ở làng Dương Liễu và gia đình bà Hoàng Thị Dậu làng Tân Ấp. Các cơ sở học nghề này đều được tổ chức với hình thức phi lợi nhuận, số người trẻ đi làm ăn xa không tham gia, chỉ có những NCT tập hợp lại vừa học, vừa làm nghề mây tre đan xuất khẩu. Hai cơ sở đã trở thành địa chỉ tin cậy, tạo nên thương hiệu có tiếng trong xã để mỗi ngày có thêm nhiều NCT tìm đến tham gia.
Các ông bà đến học và làm nghề ở đây thường tâm sự: “Nếu tuổi già mà không có việc làm thì buồn chán lắm! Đến đây vừa được học nghề, có việc làm, có thu nhập, lại vừa có cả câu trò, câu chuyện thì còn gì vui bằng. Công việc này cũng rất phù hợp với tuổi già, vừa tập cho não bộ duy trì trí nhớ, vừa rèn luyện đôi tay dẻo dai và phát triển thêm năng khiếu”.
Bà Hoàng Thị Dậu (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn NCT làm hàng mây tre đan xuất khẩu tại cơ sở của mình (Ảnh Hồng Mây) |
Lúc đầu cơ sở của bà Dậu chỉ lèo tèo được 2 - 3 người học, bà đi học thêm nhiều mẫu mã để giờ đây bà trở thành người thầy đáng tin cậy. Đến nay hai cơ sở của các bà đã có gần 200 người gắn bó với nghề, trong đó có 30% số người gọi là trẻ nhưng tuổi cũng đã từ 50, số đông còn lại ở độ tuổi từ 68 đến 76, trong đó có 40% là nam giới.
Sản phẩm các ông bà làm ra đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, được khách nước ngoài ưa chuộng, trở thành hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Tùy vào sản phẩm mà mỗi ông, bà được nhận tiền công từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng/người. Cơ sở sản xuất của bà Hoài trước khi làm mây tre đan còn được kí hợp đồng với các công ty làm các sản phẩm bàn ghế, giá sách, đèn lồng, quả cầu, túi xách… mỗi tháng xuất ra từ 1.000 - 1.500 sản phẩm các loại. Các sản phẩm của cơ sở không chỉ đẹp mà còn lạ mắt, phần lớn được làm từ các chất liệu mây, dây điện thoại, tre vấn giấy… góp phần bảo vệ môi trường. Dưới bàn tay khéo léo của các ông, bà, những sợi dây mây, dây điện khô cứng được kết thành khung ảnh, cánh hoa, cành lá, chiếc ví, túi xách… hết sức tinh tế, đa dạng, mang tính ứng dụng cao.
Có việc làm và thu nhập ổn định, các ông, các bà tự lo được cho bản thân, không phiền đến con cháu để họ yên tâm lao động và công tác. Sống ở vùng quê nông nghiệp nông thôn, công việc này còn giúp NCT luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời, đoàn kết, gắn bó, miệt mài bên những sản phẩm.
Qua việc tạo nên những sản phẩm hữu ích cho xã hội, họ mong muốn được xã hội nhìn nhận vào năng lực và tinh thần của bản thân mình chứ không chỉ là sự yêu thương, giúp đỡ NCT đơn thuần. Vì vậy, những sản phẩm họ làm ra trở nên hoàn hảo bởi đó là kết tinh của tình yêu, khát vọng trong cuộc sống để cùng xây dựng quê hương.