Những tín hiệu vui từ Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
Kinh tế 08/02/2023 10:50
Theo báo cáo của UBND thị xã Quảng Yên, năm 2022, với tinh thần tích cực, chủ động, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả đạt được trong năm là rất tích cực, thể hiện tính tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nên hết quý III năm 2022, thị xã đã hoàn thành thu ngân sách năm 2022. Về kinh tế, giá trị sản xuất ước đạt 34.335 tỉ đồng, tăng 16,9% kế hoạch, tăng 43,3% so với năm 2021, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng mục tiêu; công nghiệp - xây dựng chiếm 75,8%; dịch vụ chiếm 17,2%; nông nghiệp chiếm 7%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.168,5 tỉ đồng, tăng 44% kế hoạch tỉnh giao, tăng 31,4% dự toán thị xã giao, tăng 18% so với cùng kì, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước 17.000 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kì, có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Hoàng Tân). Trong năm đã giảm 179/179 hộ nghèo, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 53%, số lao động tạo việc làm 4.018 người, tỉ lệ gia đình văn hóa 92,2%, tỉ lệ thôn, khu văn hóa trên 80%, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%.
Lãnh đạo thị xã Quảng Yên đón nhận Quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, công nhận đô thị loại III. |
Kinh tế - xã hội ổn định, an ninh, trật tự được giữ vững, an sinh xã hội và quốc phòng được bảo đảm. Đời sống Nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở quan tâm và đạt kết quả tích cực, chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo hướng tạo chuyển biến thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả cao.
Hiện thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gồm: KCN Đông Mai; KCN AMATA, tại xã Sông Khoai; KCN Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong và hiện đang hình thành từng bước Khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp đô thị đầm Nhà Mạc. Hiện KCN Đông Mai với diện tích hơn 100 ha, 80% diện tích đã được các nhà máy thứ cấp đầu tư thu hút cả vạn lao động. Phát triển nóng về kinh tế, đi cùng với nó là tăng dân số cơ học, để bảo đảm tốt về đời sống, anh sinh xã hội, cấp ủy, chính quyền thị xã đã có kế hoạch đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân như: Về y tế sẽ đầu tư mở rộng Trung tâm Y tế thị xã giai đoạn 2; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ các trạm y tế xã, phường nói riêng và đội ngũ cán bộ y tế nói chung. Đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân, kể cả các KCN. Về giáo dục, sẽ xây dựng thêm một số trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; mở rộng một số trường trung học phổ thông; xây dựng Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề. Về hạ tầng giao thông, tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh, liên kết vùng, cũng như giao thông nội thị, liên phường, liên xã bảo đảm thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút đầu tư.
KCN Đông Mai thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, tạo thu nhập cho người lao động. |
Một tín hiệu vui với Quảng Yên là ngay những ngày đầu năm 2023, tại KCN Bắc Tiền Phong đã khởi công Dự án Phát triển công nghiệp BW. Đây là dự án thứ cấp đầu tiên được triển khai tại KCN Bắc Tiền Phong với tổng vốn đầu tư 20,5 triệu USD, trên diện tích quy hoạch 7,4ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với đa dạng ngành nghề và nâng cao lợi thế Logistics cho KCN Bắc Tiền Phong.
Được biết, KCN Bắc Tiền Phong với diện tích 1.193 ha, do DEEP C và Tập đoàn Hateco hợp tác phát triển, đầu tư, được định hướng trở thành một hệ thống KCN kết nối trực tiếp với cảng biển phía Nam của tỉnh Quảng Ninh. KCN được phát triển theo phương thức đa chức năng “tất cả trong một”, tích hợp khu hóa chất hóa dầu và hệ thống cảng biển nội khu, bao gồm cả bến cảng thông thường và cầu cảng hàng lỏng.
Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, một trong 4 Khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên hiện đang là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. |
Ngày 13/1, Tập đoàn Amata (Thái Lan) và Tập đoàn Yaskawa Electric (Nhật Bản) đã làm việc với ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh để trình bày báo cáo khả thi về đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất công cụ máy móc tự động trong KCN Sông Khoai. Theo đó, Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện… trên diện tích khoảng 12ha tại KCN Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD, dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 6/2023. Cũng tại KCN Sông Khoai vào quý II năm 2023, Tập đoàn Tenma đã báo cáo về kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in, diện tích sử dụng đất trên diện tích 18ha, tổng vốn 150 triệu USD; Công ty Castem(Nhật Bản) sẽ đầu tư xây dựng nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD.
Ngày 12/01/2023, tại KCN Bắc Tiền Phong đã khởi công dự án Phát triển công nghiệp BW. |
Theo kế hoạch, trong năm 2023, KCN Bắc Tiền Phong tập trung hoàn thiện hạ tầng của KCN. Cùng với những giải pháp mang tính tổng thể của tỉnh Quảng Ninh, việc hoàn thiện hạ tầng tại các KCN cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu thu hút ít nhất 1 tỉ USD vốn đầu tư FDI vào các KCN, khu kinh tế. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu năm 2022, hai nhà đầu tư lớn đã kí biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư 1,7 tỉ USD vào Quảng Ninh, trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là trọng tâm thu hút đầu tư.
Nhà máy sản xuất tấm silic Jinko Solar tại Khu Công nghiệp AMATA đi vào hoạt động hiệu quả. |
Năm 2023, mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền thị xã Quảng Yên đề ra là: Tiếp tục kiểm soát, giữ vững địa bàn ổn định, an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 gắn với tập trung phát triển kinh tế thị xã Quảng Yên nhanh, bền vững, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Đẩy nhanh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu dân cư; triển khai thực hiện quy hoạch chung và điều chỉnh các quy hoạch phân khu để thu hút các dự án đầu tư. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu lực, hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, giảm nghèo bền vững và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành thành phố trước năm 2025. Đạt đô thị loại II trước năm 2030 và là trung tâm sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ cảng, cảng biển Logistics của tỉnh.
Với thành tích và kết quả đã đạt được trong năm 2022, cũng như 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXI, nhiệm kì 2020-2025. Tin rằng, năm 2023, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, thị xã Quảng Yên nói riêng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nói chung sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.