Những rào cản trong đà phát triển của VietinBank
Kinh tế 22/05/2020 11:50
Cổ phiếu CTG chưa thể bứt phá
Năm 2009, VietinBank chính thức niêm yết hơn 121 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, giá trị vốn hóa đạt trên 34.000 tỷ đồng.
Ngay trước khi lên sàn, trong bối cảnh thị trường đang lao dốc, lãnh đạo VietinBank đã khẳng định lẽ ra giá chào sàn phải là 80.000 đồng/cp. Nhưng ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu CTG đã giảm sát sàn còn 40.100 đồng/cp. Được biết, mức giá chào sàn trên cao gấp đôi giá đấu thành công khi IPO.
Diễn biến cổ phiếu CTG trong nhiều năm qua.
Sự sụt giảm này tiếp diễn đến tận năm 2010, bật lại rồi tiếp tục trồi sụt đến tận tháng 10/2017. Theo đà tăng của VN-Index, cổ phiếu CTG ghi nhận mức tăng tới 95% chỉ sau nửa năm.
Tuy vậy, diễn biến lợi nhuận kém khả qua cùng với đà giảm của VN-Index đã kéo trị giá cổ phiếu này về mức 22.000 đồng/cp - tương đương mức giá hồi tháng 7/2016.
Cổ đông lớn IFC rút lui sau gần 10 năm
Đầu năm 2020, Nhóm IFC bao gồm Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu tại VietinBank.
Theo đó, nhóm IFC đã hoàn tất bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG trong ngày 8/1; trong đó, IFC bán ra hơn 18,9 triệu cổ phiếu và IFC Capitalization Equity Fund bán ra 36,8 triệu cổ phiếu.
Sau giao dịch, nhóm IFC chỉ còn nắm giữ 185,8 triệu cổ phiếu CTG, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,99% thay vì 6,486% như trước đó và chính thức không còn là cổ đông lớn của VietinBank từ ngày 10/1.
Hiện tại, IFC chỉ sở hữu 60,9 triệu cổ phiếu VietinBank, tương đương tỷ lệ 1,636% vốn; IFC Capitalization Equity Fund sở hữu 124,9 triệu cổ phiếu, tương đương 3,354% vốn.
Trước đó, ngày 13/11/2019, nhóm IFC cũng thông báo hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG; trong đó IFC bán ra 18,15 triệu cổ phiếu và IFC Capitalization Equity Fund bán ra gần 39,23 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu theo đó giảm từ 8,027% xuống còn 6,486%.
IFC đầu tư vào VietinBank từ tháng 3/2011, sở hữu 168 triệu cổ phiếu với giá mua ban đầu là 21.000 đồng/cp. Đến tháng 11/2011, nhóm IFC tiếp tục mua thêm gần 34 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 202 triệu cổ phiếu.
Sau đợt thưởng và trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2012, cùng với đợt mua thêm cổ phiếu vào năm 2013, IFC nâng sở hữu lên gần 299 triệu cổ phiếu, trước khi thoái một phần vốn vào tháng 11/2019.
Nhiều ý kiến cho rằng lý do IFC bán cổ phần tại VietinBank do thời hạn nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này đã gần 10 năm – một khoảng thời gian khá dài cho một khoản đầu tư, và vượt qua thời gian dự định đầu tư ban đầu là 7 năm.
Một lý do quan trọng hơn đó là khi IFC trở thành cổ đông của VietinBank, tổ chức này tham gia với một mục tiêu là giúp cổ phần hóa ngân hàng này, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống còn 51% tại thời điểm 2 năm trước đây. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được và do thời gian nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này cũng đã lâu nên IFC quyết định rút vốn.
Theo đánh giá, nhóm IFC tiếp tục sẽ thoái vốn hoàn toàn và rút khỏi VietinBank. Tuy vậy vấn đề đặt ra hiện nay là nhóm quỹ hay tổ chức nào sẽ thay thế và góp sức cho VietinBank khi thiếu vắng IFC.
Như vậy, sau khi nhóm IFC thoái vốn, VietinBank chỉ còn 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm giữ 64,46% vốn và Ngân hàng Nhật Bản The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ nắm giữ 19,73% vốn.
Năm 2020, dự kiến VietinBank tiếp tục phải chịu gánh nặng dự phòng
Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ở mức 1,98% (cao hơn một chút so với mức 1,90% vào cuối năm 2018 và quý 2/2019).
Tuy nhiên, tổng tỷ lệ nợ xấu, VAMC và nợ tiềm ẩn so với tổng tín dụng đã giảm dần xuống còn 4,84% từ 5,85% trong năm 2018.
Về phía VietinBank, với số dư VAMC ròng lớn ở mức trên 8 nghìn tỷ đồng vào quý 3/2019 (0,9% dư nợ), gánh nặng dự phòng dự kiến sẽ tiếp tục đáng kể vào năm 2020 dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý được 25% dư nợ VAMC trong 9 tháng năm 2019.
Bằng chứng là trong quý 1/2020, VietinBank tăng mạnh chi phí dự phòng (hơn 37%) nên lãi ròng trong kỳ giảm hơn 5% về mức 2.405 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của VietinBank giảm 1,2% về 924 nghìn tỷ đồng nhưng số dư nợ xấu tăng mạnh hơn 35% từ 10.813 tỷ đồng lên 14.617 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,16% cuối năm 2019 lên 1,58%.
Trong đó, cơ cấu nợ xấu của ngân hàng có sự thay đổi đáng kể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng gần 40% từ 5.677 tỷ đồng lên 7.941 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 tăng mạnh lên gấp gần 5 lần trong khi nợ nhóm 5 lại giảm gần 36%.
Theo tài liệu họp cổ đông được VietinBank công bố, nhà băng này đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng khiêm tốn và bỏ ngỏ con số lợi nhuận năm 2020.
Cụ thể, VietinBank dự kiến tổng tài sản chỉ tăng khoảng 1-3% năm nay, trong khi số tăng năm liền trước là 6,5%. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn cũng được đặt mục tiêu tăng lần lượt 4-8,5% và 5-10%, trong đó hạn mức tín dụng của nhà băng này được NHNN giao là 8,5%.
Trong khi đó, ngân hàng này cho biết con số lợi nhuận sẽ phải căn cứ vào diễn biến và tác động của dịch Covid-19 để tính toán. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và cải thiện so với năm trước.
VietinBank cũng dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có. Tuy vậy, phương án chia cổ tức cụ thể sẽ thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.