Những ngôi nhà chung của NCT các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh
Vì Người cao tuổi 07/07/2023 10:37
Ngày nay, hầu hết các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Quảng Ninh đều được xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng phù hợp với văn hóa tập quán của dân tộc đông nhất ở địa phương đó, như: Nhà văn hóa dân tộc Dao, Nhà văn hóa dân tộc Tày, Nhà văn hóa dân tộc Sán Chỉ… Điều đó, mang lại niềm vui với NCT, vì đây là nơi họ truyền dạy cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Cụ Trương Thị Bích, 80 tuổi, ở thôn Khe Sú 2, tuy tuổi cao nhưng vẫn đến sinh hoạt đều đặn tại Nhà Văn hóa cộng đồng thôn, có khi một lần/tuần, nhưng những ngày mưa kéo dài, bà con người Dao không lên rừng hay ra đồng được lại hẹn nhau ra Nhà văn hóa cộng đồng sinh hoạt.
Cụ Bích vui vẻ cho biết: Tại Nhà văn hóa cộng đồng, cụ có nhiều cơ hội để truyền dạy cho con cháu cách dệt những chiếc thắt lưng thổ cẩm, sao cho đúng với những hoa văn của người Dao, đồng thời cũng giải thích với con cháu về ý nghĩa của những hoa văn này.
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Khe Sú II, nơi để NCT Dao truyền lại cho con cháu những phong tục tập quán và văn hóa của dân tộc. |
Từ năm 12 tuổi, cụ Bích đã biết thêu thùa. Tay cụ khéo léo đưa những sợi chỉ đen, chỉ đỏ một cách hợp lí để tạo ra các hoa văn đẹp đẽ. Bên cạnh những hoa văn là những bông hoa, người Dao còn thích dệt những hoa văn hình quả trám, con rùa. Cụ Bích giải thích, những hoa văn đó vừa là để trang trí, cũng vừa là để nhắc nhở con cháu một thời gian khó của người Dao, như: Quả trám để ăn với cơm, con rùa luôn gắn bó với người nông dân dưới đồng ruộng nên người Dao có điệu múa rùa rất độc đáo.
Từ năm 2016, xã Thượng Yên Công xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn Khe Sú II quy mô. Nơi đây, vừa là nơi sinh hoạt của bà con lại vừa là điểm du lịch, nơi bảo tồn và phát huy những bản sắc dân tộc vốn có của xã. Tại đây, những người già, người trẻ đều có điều kiện gắn bó với nhau, cùng nhau trò chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm bản thân, hay văn hóa của dân tộc, mà người già không muốn thời gian làm mai một.
Năm 2000, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao, ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao, 2 tầng, có tổng diện tích 1.600m2, trong đó nhà rộng 707,1m2. Ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều tỉnh, thành khác. Vào dịp Lễ hội Bàn Vương, người Dao đến từ các xã của huyện Ba Chẽ và từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh tìm về.
Ông Triệu Chăn Hồng, ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ bày tỏ: “Ngôi nhà vừa là sân chơi và cũng là niềm tự hào của NCT chúng tôi. Ngôi nhà có không gian trưng bày văn hoá Dao tại tầng 1, gồm nhiều bức tượng sáp có kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hằng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay. Vậy là NCT rất an tâm vì nhà văn hóa đã nói hộ những điều mà chúng tôi muốn nói với con cháu nhiều thế hệ sau, để cho văn hóa người Dao không bị mai một”.
Ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, có công trình Trung tâm Văn hóa thể thao dân tộc Sán Chỉ. Đã nhiều năm nay, già làng, Nghệ nhân dân gian Lỷ A Sáng nỗ lực trong việc bảo tồn hát Soóng cọ. Người dân ở Đại Dực rất thích hát Soóng cọ. Theo họ, thường phải có đông người cùng hát mới vui, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tổ chức đông người được. Ông Sáng cho biết: “Người già chúng tôi cũng rất thích hát. Thế nhưng bây giờ không thể giống như con cháu hẹn hò nhau ra một nơi nào đó được, mà cần có một ngôi nhà chung làm điểm hẹn cho mọi người cùng đến đó chung vui”.
Vậy là với NCT các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh không chỉ được nâng cao đời sống về vật chất, mà nay họ còn có một sân chơi, có ngôi nhà chung được dựng lên để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc.