Những di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ
Sự kiện 05/05/2023 10:04
Những năm qua, quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được tôn tạo và xuất hiện một số công trình mới quan trọng. Đầu tiên là việc bảo tồn, tôn tạo di tích cứ điểm đồi A1, dấu tích lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, với diện tích 81.500m2. Nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt; ta và địch giành nhau từng tấc đất. Bộ đội đào hầm ngầm, đưa gần 1.000kg thuốc nổ, đánh tung hệ thống phòng thủ của đối phương vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954. Đó là hiệu lệnh tổng công kích của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đỉnh đồi A1 hiện còn vết tích hố bộc phá và căn hầm, cố thủ của những tên địch ngoan cố.
Công trình bảo tồn, tôn tạo di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm giữ gìn để giới thiệu cho đồng bào cả nước và khách quốc tế đến tham quan, qua đó, hiểu tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, nghệ thuật quân sự tài tình, dũng cảm hi sinh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát. |
Tuyến đường kéo pháo có chiều dài 39,97347m. Cụm kéo pháo bằng tay dài 24m, rộng 8m, cao 12,5m, nặng 1.200 tấn, mô phỏng cảnh bộ đội kéo pháo bằng tay vào trận địa phía bắc Điện Biên Phủ. Cụm tượng bằng chất liệu đá xanh tỉnh Thanh Hóa, gồm 29 chiến sĩ (21 chiến sĩ bán thân, 8 chiến sĩ toàn thân). Trên đường kéo pháo vào trận địa, được tôn tạo lại những dấu chân bộ đội kéo pháo vượt núi cao hiểm trở. Có bia tưởng niệm Anh hùng Tô Vĩnh Diện hi sinh để cứu pháo.
Công trình tượng đài công viên chiến thắng ở Mường Phăng, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Cụm tượng gồm 102 tấn đá ghép, nặng 800 tấn, với 25 nhân vật; cao bình quân 2,7m; có 6 lá cờ, cao 9m, biểu tượng các quân chủng, binh chủng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và các lô gô, đại diện những lực lượng phòng thủ của thực dân Pháp.
Tượng có chiều rộng 3m, dài 21m, điểm cao nhất là 8m, trong đó, đế tượng cao 1,2m, có hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng giữa đọc thư của Hồ Chủ tịch. Các nhân vật đại diện những đơn vị tham gia chiến dịch đứng xung quanh, vui mừng chiến thắng. Cụm tượng xây bằng đá xanh Thanh Hóa; chế tác tại xã Ninh Văn, huyện Hòa Lạc, tỉnh Ninh Bình.
Những công trình bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới ở Điện Biên Phủ là công sức, tiền của đóng góp của Nhân dân địa phương và Nhà nước. Mọi người đặc biệt chú ý tới tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1.
Tác giả tượng đài, nhà điêu khắc Nguyễn Hải tâm sự: “Tôi chưa một lần đến Điện Biên Phủ. Khi từ Bình Dương, tập kết ra Bắc, âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ còn mãi trong tôi. Qua sách báo, phản ánh và đặc biệt là qua các bài hát của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân… tôi đã “ngấm dần” chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật, tôi nảy ra ý nghĩ, sáng tác về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Và từ đó, tôi lao vào làm việc miệt mài. Tác phẩm bắt đầu làm từ năm 1963, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành”.
Về bức tượng, tác giả nêu ý nghĩa: “Tượng đài có 3 anh bộ đội Cụ Hồ, một em bé dân tộc Thái, một lá cờ đỏ sao vàng và một bó hoa. Một anh bộ đội phất cao lá cờ, tượng trưng cho các đại đoàn đánh vào Điện Biên Phủ. Một anh bộ đội bế em bé người dân tộc Thái, tay cầm bó hoa. Em bé tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ trẻ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc giàu đẹp. Anh bộ đội thứ ba cầm súng thể hiện tinh thần luôn cảnh giác trước mọi kẻ thù…”.
Khi tác phẩm được chọn để làm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Nguyễn Hải vô cùng phấn khởi, được thể hiện tấm lòng của người con Nam Bộ với đồng bào miền Bắc, với Đảng và Nhà nước đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho mình trưởng thành…
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân Điện Biên và đồng bào cả nước. Đó là chiến thắng lẫy lừng trên mảnh đất lịch sử. Nhân dân các dân tộc Điện Biên phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo để xứng đáng với ý nghĩa lịch sử vĩ đại ấy.