Nhóm ngành cổ phiếu nào "miễn dịch" với virus corona?
Đầu tư - Tài chính 10/02/2020 18:19
Thị trường chứng khoán chao đảo vì đại dịch
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua giai đoạn chao đảo. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, thị trường Việt Nam mở cửa trở lại với mức giảm mạnh trên 3% phiên đầu năm, sau đó liên tục đi xuống, chủ yếu do ảnh hưởng tâm lý từ virus corona Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, VN-Index giảm 10,02 điểm (-1%) xuống 930,7 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng, 220 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,9%) xuống 103,97 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 71 mã giảm và 48 mã đứng giá.
Virus Corona khiến nhiều quốc gia hạn chế giao thương, hoạt động du lịch đình trệ, các doanh nghiệp kéo dài thời gian nghỉ sau Tết. Một số dự báo cho rằng với tốc độ dịch hiện tại thì GDP quý I của Trung Quốc có thể giảm đến 4-5% và cả năm giảm khoảng 1-2%. Ảnh hưởng càng mạnh mẽ hơn tại tỉnh Hồ Bắc (thủ phủ là thành phố Vũ Hán) với dân số 60 triệu người, tương đương một quốc gia trung bình.
Theo báo cáo Chứng khoán Agribank (Agriseco), Thái Lan và Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất bên cạnh Trung Quốc. Trường hợp lượng khách Trung Quốc trong 3 tháng tới giảm 75% có thể tác động làm giảm GDP Thái Lan khoảng 0,58% và của Việt Nam khoảng 0,37% trong năm 2020.
Đặc biệt, đối với thị trường chứng khoán, thống kê cho thấy có mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán. Các trận đại dịch SARS, H5N1 hay H1N1 cho thấy TTCK thế giới thường giảm mạnh trong giai đoạn dịch bùng phát nhưng tăng trở lại ít nhất trung bình 8,5% sau đó 6 tháng. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy khi đại dịch đạt đỉnh cũng là thời điểm TTCK bắt đầu tạo đáy và tăng điểm trở lại.
Trong các đại dịch trước, Index thường mất nhiều điểm nhất trong thời gian dịch cao trào kéo dài khoảng 6 tuần. Hiện tại, dịch Corona đang ở giai đoạn cao trào được 1 tuần, do vậy có thể áp lực giảm điểm sẽ kéo dài trong vài tuần tới.
Thái Lan và Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất bên cạnh Trung Quốc. Trường hợp lượng khách Trung Quốc trong 3 tháng tới giảm 75% có thể tác động làm giảm GDP Thái Lan khoảng 0,58% và của Việt Nam khoảng 0,37% trong năm 2020. |
Nội tại kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là ổn định. Tiến bộ y học vừa được các nhà khoa học Hongkong, Úc, Mỹ nghiên cứu kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian dịch và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Vừa qua, thị trường Mỹ và châu Âu đã giảm điểm từ trước trong kỳ nghỉ Tết, với mức giảm vào khoảng 2% và đang hồi phục trở lại trong 2 phiên gần đây.
Ngành du lịch và dầu mỏ chịu ảnh hưởng lớn
Theo dõi trên thị trường chứng khoán thế giới tuần qua các mã giảm sâu nhất thuộc nhóm ngành hàng không như American, Delta Airlines; chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng Windy Hotels and Resorts. Quay ngược lại đại dịch SARS năm 2003, các ngành thiệt hại nặng nhất cũng là nhóm hàng xa xỉ, du lịch giải trí.
Theo đó, Agriseco Research cho rằng, dịch corona hoành hoành khiến ngành du lịch và dầu mỏ ảnh hưởng nặng đầu tiên. Việc Trung Quốc đình chỉ toàn bộ hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn tới các cổ phiếu thuộc ngành vận tải hàng không, cảng sân bay vận hành du lịch, lữ hành.
Ngành tiếp theo chịu ảnh hưởng là dầu mỏ, trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới, việc tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này cùng ngành du lịch toàn cầu chững lại làm nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Bên cạnh đó, các ngành bán hàng xa xỉ và ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, việc cấm biên giới có thể giúp một số ngành nhập siêu lớn từ Trung Quốc như săm lốp, thép hưởng lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra, ngành y tế và hàng hóa thiết yếu có thể được tác động tích cực. Tuy vậy, ảnh hưởng tích cực tới các ngành trên là chưa rõ ràng.
Thị trường chứng khoán 2020: Không bị quan nhưng đừng chủ quan
Dự báo năm 2020 nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng không có động lực thúc đẩy mạnh mẽ. Thậm chí, cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng không phải là chất xúc tác. Trong khi khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam không cao do chưa xử lý được vấn đề sở hữu của khối ngoại.
Bà Hoàng Viêt Phương, Giám đốc phân tích CTCPCK SSI dự báo, năm 2020, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong danh mục nghiên cứu của SSI dự kiến tăng 14,3%.
Ngân hàng sẽ là ngành có tăng trưởng cao nhất. Nếu loại bỏ ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận còn khoảng 8,6%, cao hơn năm 2019 (khoảng 6,8%). Do đó, VN-Index được dự báo tăng quanh mức này. Trừ khi có những yếu tố xấu ảnh hưởng khiến kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ xấu hơn khiến P/E thị trường giảm. Năm trước, P/E cũng giảm do không có nhiều động lực mới từ kế hoạch cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Trên đường đi thị trường năm 2020, vẫn có thể có bất ngờ nhưng về cơ bản chưa nhìn thấy đột biến. Ảnh internet |
Trong bối cảnh năm nay không có nhiều xu hướng mang tính đột phá thì khả năng thị trường sẽ vẫn tiếp tục giao dịch với một biên độ vừa phải. Việt Nam vẫn là thị trường của nhà đầu tư cá nhân. Biên độ vừa phải sẽ chưa đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư khi tham gia vào kênh đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán.
Cũng theo bà Phương, dòng vốn vào Việt Nam sẽ tác động đến thị trường trong năm sau, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Yếu tố hỗ trợ cho FDI có thể đến từ việc Việt Nam xúc tiến đàm phán một số thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương.
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp vẫn đang quan sát thị trường Việt Nam trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá nhiều khả năng không thay đổi lớn. Hiện tăng trưởng thế giới đang chậm lại nhưng mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn hấp dẫn. Vấn đề là cần khơi thông được nguồn vốn vào Việt Nam. Nếu có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thì nhà đầu tư trong nước cũng hưng phấn hơn, hay nói cách khác, phát triển theo hướng lành mạnh hơn. Hiện nay tỷ trọng giao dịch nhà đầu tư ngoại không tăng trong 3-4 năm qua, chỉ chiếm 14-15% quy mô.