Nhớ về ngã ba Đồng Lộc và bến sông Son
Xã hội 23/07/2020 14:55
Ngày 27/7 năm trước, tôi theo đoàn cựu chiến binh, gia đình các liệt sĩ, anh hùng của Trung đoàn 224 Pháo phòng không đơn vị anh hùng và đoàn nghệ thuật Hương Xưa, chúng tôi có chuyến hành hương về ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) thắp nén hương tưởng nhớ vong hồn 10 nữ anh hùng TNXP và tiếp tục hành trình về bến Xuân Sơn trên sông Son, tỉnh Quảng Bình, nơi có quần thể di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh, gặp lại nhân chứng một thời trong những năm tháng đạn bom.
Trời tuôn mưa-Ngã ba Đồng Lộc
Anh Đinh Khánh đội trưởng nghệ thuật Hương Xưa, nguyên là lính văn công Trường Sơn, gọi điện mời tôi cùng đoàn của anh trở về chiến trường xưa, viếng 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại di tích ngã ba Đồng Lộc và đến thăm tặng quà cho gia đình đồng đội cũ từng chiến đấu trên bến sông Son (Quảng Bình).
8 giờ tối 26/7, chúng tôi lên đường, xe đi trong đêm, 4 giờ sáng 27/7 đã đến ngã ba Đồng Lộc.
7 giờ 30 phút trời vẫn mưa, không thể làm các thủ tục ra viếng mộ liệt sĩ, Ban Quản lý khu di tích, mời đoàn chúng tôi ngồi bên khu sa bàn, nghe giới thiệu về di tích Ngã ba Đồng Lộc và sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP.
Giọng Hà Tĩnh sao mà ấp áp thân thương, chúng tôi nghe người thuyết minh mà lắng sâu trở về miền ký ức. Ngã ba Đồng Lộc hơn 50 năm trước, là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam đi qua tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhằm mọi giá biến nơi này thành điểm chết, túi bom. Chỉ riêng tháng 7/1968, ở ngã ba Đồng Lộc, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới, tổng quân số toàn bộ mặt trận lúc cao điểm nhất lên tới 16.000 người. Cuối tháng 7 oanh liệt ấy, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 24/7/1968, 10 cô gái trẻ tuổi đời từ 17 đến 22 tuổi tiểu đội 4 TNXP, là các chị Cúc, Tần, Hợi, Hà, Dương Thị Xuân, Hường, Nhỏ, Rạng, Sanh và Nguyễn Thị Xuân …được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lập hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo nhanh chóng thông xe. Một tốp máy bay phản lực của Mỹ , vượt qua trọng điểm thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình. Cả 10 cô đã hy sinh. Tôn vinh chiến tích của các cô, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho họ. Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ TNXP trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Tên tuổi của 10 cô gái mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước, mãi mãi là thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam Anh hùng .
Sau câu chuyện của người thuyết minh khu di tích, chuyện của anh Khánh cũng làm cho cả đoàn chúng tôi xúc động. Thì ra anh Khánh nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 224 pháo phòng không, chiến đấu trên tuyến đường 15; 20 Quyết Thắng. Anh kể:
Tháng 7/1968 đại đội pháo của tôi đóng quân gần ngã ba Đồng Lộc, hàng ngày đại đội 4 TNXP ra trận địa, vẫn qua trận địa pháo của chúng tôi, tình cảm lính pháo binh và TNXP thân thiết lắm. Năm 1968 là năm chiến tranh ác liệt nhất, chỉ trong 5 tháng đầu năm 1968 pháo phòng không của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc, lính pháo binh chúng tôi cũng có nhiều đồng đội hy sinh. Sau khi máy bay Mỹ đi rồi, trận địa pháo im tiếng súng, cũng là lúc TNXP lên mặt đường phá bom, mở đường cho xe ra chiến trường. Sau mỗi loạt bom nổ, buổi tối khi TNXP trở về, qua trận địa pháo, chúng tôi lại thấp phỏm lo âu, hôm nay nổ mìn, phá bom có o nào bị thương không? Hôm ấy, được tin bom thả trúng hầm 10 nữ TNXP, thì các chiến sĩ đại đội pháo phòng không, trong đó có tôi cũng có mặt tại trận địa, cùng mọi người đào bới đất, tìm xác các em. Bởi thế tôi không thể quên được ngày hy sinh của các em. Xin cứ được gọi 10 nữ liệt sĩ anh hùng là em, để các em trẻ mãi tuổi hai mươi, trẻ mãi với non sông.
Khoảng 10 giờ, trời ngớt mưa, chúng tôi đến thắp hương trên mộ 10 nữ liệt sĩ anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc, rồi tiếp tục cuộc hành trình về bên bến sông Son.
Dâng hoa bên Tượng dài TNXP đầu đường 20 Quyết Thắng |
Hơn 50 năm ân tình người chiến sĩ
Sau tháng 7/1968, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc , cuối năm ấy, đại đội pháo của anh Khánh được tăng cường cho trận địa bến sông Son.
Đó con sông ngầm dài nhất thế giới, các nhà khoa học gọi tên là Nậm A Ki, phần lộ thiên chảy trước cửa động Phong Nha, gọi là sông Son. Sông rộng chừng 35-40 mét, mùa khô nước xanh màu xanh đồng, trong thấu đáy, rõ cả rong rêu và những đàn cá đang bơi. Nhưng vào mùa mưa, nước mưa bào mòn đất đá ở các triền núi đổ xuống làm nước sông đỏ như màu gạch son, nên dân giã gọi là sông Son. Cũng có chuyện kể về sông Son theo truyền thuyết. Ngày xưa, có vị tiên sư đại pháp người trời thường xuống du ngoạn cảnh hạ giới, thấy yêu mến nơi này bèn ở lại rồi dạy dân cách làm ăn. Một năm kia xảy ra đại hạn, muôn vật khô héo; để cứu dân, vị tiên sư đại pháp lén về Trời khơi trộm nguồn nước từ thiên cung chảy xuống nơi là dòng sông Son bây giờ tưới mát cỏ cây, cứu sống muôn loài, nhưng vị đại sư bị triệu về trời chịu hình phạt. Dân làng cảm kích tấm lòng son của vị đại sư nên đặt tên cho sông này là sông Son chảy từ động Phong Nha và nối vào sông Gianh.
Bên bến sông Son, anh Khánh chỉ cho chúng tôi cái cột giữa sông, giờ là phao phân luồng nông sâu cho tàu thuyền qua lại, nhưng hơn 50 năm trước, đó là cái cột giữa sông để bộ đội công binh từ đó lần theo tời xích, kéo phà qua sông . Bên kia 2 bờ sông Son, ở bến Xuân Sơn vẫn còn 2 cột tời cũng là cột mốc ở cuối đường 15 và của đầu đường 20 Quyết Thắng. Hồi đó anh Khánh đóng quân ở nhà chị Trương Thị Thoa, ở thôn Xuân Sơn, xã Sơn Cách, huyện Bổ Trạch.
Bà Thoa người lái đò trên bên sông Son thời chiến tranh |
Chồng chị Thoa là anh Đối, bộ đội công binh, người đi găng tay kéo phà qua sông theo cọc dây tời suốt năm tháng chiến tranh. Nhà ấy chị Thoa là một trong 3 người phụ nữ đảm đang của xã, được Bác Hồ tặng phần thưởng là một tấm vải láng đen. Khi chúng tôi đến thăm, chị Thoa ngày xưa bây giờ đã lên tuổi cụ vẫn nhận ra chú Khánh xưa đóng quân ở nhà miềng. Cụ kể cho chúng tôi nghe chuyện lần ấy chú Khánh qua sông Son trên chiếc thuyền thúng đã nát của gia đình, chỗ nước dò rỉ gia đình đã lấy rẻ thút nút, nhưng chú Khánh không biết mới rút nút rẻ ra, thế là nước ngấm lên và thuyền chìm từ từ. Những người dân đi đò khi ấy, đã giăng đò của mình ngăn thuyền thúng trôi theo dòng nước xoáy và kêu bà Thoa bơi đò ra cứu. Lần ấy anh bộ đội Khánh thoát cảnh đắm thuyền trên sông Son.
Sau chiến tranh, vợ chồng Khánh đã tìm về thăm gia đình cụ Thoa. Biết hoàn cảnh gia đình bà Thoa còn khó khăn, anh Khánh và đồng đội chúng tôi trong chuyện đi này, đã quyên góp áo quần và một số đồ dùng tặng gia đình cụ Thoa, người lái đò trên sông Son tình nghĩa.