Nhật Bản đứng trước biến động hậu “Kỉ nguyên Abe”
Câu chuyện quốc tế 01/09/2020 09:13
Dấu ấn của Thủ tướng Abe
Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đang thúc đẩy lợi ích của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng tăng cường nỗ lực tái định hình sự hội nhập Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường. Tại Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã và đang đạt được những tiến bộ trong chương trình hạt nhân. Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tan băng.
Về quan hệ đồng minh, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh, xa rời chủ nghĩa đa phương. Trên cương vị là Thủ tướng, ông Abe đã xử lí những vấn đề hóc búa này một cách êm đẹp, giúp mang lại sự ổn định trong quan hệ song phương với Mỹ, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua nhiều thỏa thuận quan trọng.
Tương tự, các dự án hỗ trợ phát triển mà Nhật Bản dành cho Đông Nam Á và những chuyến thăm thường xuyên của ông Abe tới nơi này đã khiến Nhật Bản trở thành quốc gia đáng tin cậy nhất trong số các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong suốt nhiệm kì. Ảnh: Japan Times |
Nhiều thách thức đặt lên vai người kế nhiệm
Thời kì hậu Abe, Tokyo phải giải quyết một số vấn đề quan trọng, bao gồm duy trì liên minh Nhật - Mỹ, điều hướng sự cạnh tranh đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Liên minh Mỹ - Nhật vốn là nền tảng an ninh của Tokyo trong 6 thập kỉ qua.
Tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ có nhiệm vụ củng cố liên minh Mỹ - Nhật ở cả cấp độ lãnh đạo và cấp độ thể chế, nhằm bảo đảm đáp ứng được nhu cầu về chia sẻ gánh nặng an ninh, đưa mối quan hệ song phương về đúng quỹ đạo.
Bên cạnh đó, người kế nhiệm ông Abe sẽ phải tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cuộc chiến thương mại và gây sức ép toàn diện đối với Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, Nhà Trắng đã thúc đẩy một loạt sáng kiến chống Trung Quốc. Nếu chính phủ Mỹ yêu cầu Nhật Bản và các đồng minh áp dụng chính sách tương tự, thì Thủ tướng mới sẽ phải đối mặt với lựa chọn cực kì khó khăn.
Một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa Washington và Bắc Kinh, khiến Tokyo rơi vào thế bấp bênh đó là công nghệ. Đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc. Thủ tướng Abe từng đưa ra khái niệm “Lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm tin cậy” như một nỗ lực để giải quyết bất đồng trong lĩnh vực kĩ thuật số đang tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc và đây có thể là một lĩnh vực mà một Thủ tướng tương lai cần xem xét lại.
Tiếp đến là câu hỏi Nhật Bản sẵn sàng tăng cường khả năng quốc phòng của nước này đến mức nào để hỗ trợ Mỹ trong khu vực. Liệu Thủ tướng mới có sẵn sàng gia tăng chi tiêu quốc phòng hay không?
Trong nước, người kế nhiệm ông Abe sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là đưa nền kinh tế ra khỏi bờ vực suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nền kinh tế nước này trong quý II/2020 suy giảm 27,8% so với cùng kì năm 2019, gần gấp đôi so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida được đánh giá là những ứng viên tiềm năng nhất kế nhiệm Thủ tướng Abe. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất của Jiji Press cho biết, ông Shigeru Ishiba đang vượt lên dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ gần 25%. Trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sự ủng hộ đối với nhân vật này tới gần 30%.
Một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, cùng khả năng ra quyết định và xử lí khủng hoảng của Thủ tướng kế nhiệm là điều cần thiết để đưa Nhật Bản vượt qua những thách thức nói trên. Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản cũng cần phải có tầm nhìn về tương lai của đất nước, gây dựng được uy tín với người dân và mang lại cho họ niềm hi vọng về tương lai.