Nhà văn Trần Thùy Mai- người “nặng tình” với tiểu thuyết lịch sử
Giáo dục 01/01/2023 15:45
Khi viết về tiểu thuyết lịch sử điều gây khó khăn lớn nhất cho nhà văn là gì?
Khi viết tiểu thuyết lịch sử, tôi dựa trên ba nguồn chính: tư liệu lịch sử, truyền ngôn trong dân gian, và sự tưởng tượng của mình.
Trước đây, trong thời gian dài công tác ở Đại học sư phạm Huế, tôi đã làm công việc sưu tập truyện kể, dân ca trong dân gian vùng Thừa Thiên Huế. Trong những gì ghi chép được, có rất nhiều mảnh vỡ lấp lánh về nhiều nhân vật lịch sử. Sau đó khi làm việc ở nhà xuất bản Thuận Hóa, tôi có tham gia xuất bản các bộ sử triều Nguyễn. Tôi đọc hoài, ban đầu thấy rất khô khan buồn tẻ, rồi dần dần thấy sự sống hiện lên giữa những dòng chữ. Trong những ghi chép có phần vắn tắt của người xưa, là rất nhiều gương mặt, hình ảnh, số phận…
Tất cả những điều đó cuốn hút tôi. Những năm gần đây, nhiều tư liệu mới hơn về giai đoạn 1858- 1888 đã đến với người đọc, trong đó có cái do các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nhật viết, có cái do các nhà nghiên cứu Việt Nam viết. Những tài liệu mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa, cho phép ta có một cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử.
Viết tiểu thuyết về lịch sử triều Nguyễn trong giai đoạn này, theo tôi là một việc khá thuận lợi. Trong mọi công việc, tôi không có thói quen nghĩ nhiều về sự khó khăn. Hơn nữa, khi làm một việc mình đam mê, thì những khó khăn càng làm cho mình động não và hứng thú hơn.
Thời gian nhà văn viết bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân là bao lâu? Mỗi ngày nhà văn thường viết bao nhiêu giờ? Một giờ bao nhiêu trang? Khoảng thời gian nào khiến nhà văn tập trung nhất trong ngày?
Tôi để một năm để sắp xếp tư liệu lịch sử sẵn có, quan trọng nhất là phải xếp các sự kiện theo thứ tự thời gian và không gian. Ví dụ, vào năm này, khi xảy ra vụ việc này thì Đoàn Trưng mấy tuổi và Công chúa Gia Phúc mấy tuổi? Vào ngày thất thủ kinh đô, tướng Hoàng Tá Viêm đang làm gì, ở đâu? v.v…Sau khi thống kê các sự kiện, tôi dành hai năm để viết, ngày nào cũng đều đặn hai giờ vào buổi sáng, lúc tinh thần tôi tỉnh táo và nghĩ được nhiều ý nhất.
Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân |
Buổi chiều, tôi dành cho những việc khác của đời sống. Sau bữa ăn tối, lúc đó độ tưởng tượng kém đi nhưng óc nhận xét lại tăng lên, tôi sẽ đọc lại và chỉnh sửa câu chữ, bỏ bớt những chỗ mà tôi nhận ra là thừa. Do khi mình đang say, thì rất hay phóng bút. Tôi thường nghĩ viết văn cũng như tạc tượng, đục hết những chỗ thừa, thì viên đá sẽ thành tác phẩm.
Thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm trong bộ tiểu thuyết này là gì?
Lúc người Pháp tấn công, triều đình, sĩ phu và dân chúng đều có phản ứng chống giặc. Đọc kỹ từng chi tiết của sử liệu, ta sẽ thấy đau lòng vì nhân vật nào cũng yêu nước nhưng không thể có tiếng nói chung! Chưa đánh Pháp, thì người Việt đã cấu xé nhau trong tâm thế chia rẽ, độc đoán và có những khi thực sự tàn bạo. Tôi muốn vẽ lại bức tranh ấy một cách chân thực, để ta nhìn lại cách ứng xử của ta, nhìn lại những “điểm âm” trong dân tộc tính vốn có của người Việt.
Nhiều người so sánh cách đối phó họa phương Tây của người Việt với người Nhật, người Thái. Thật ra hoàn cảnh và vị trí của hai nước ấy khác ta, nên sẽ là hơi khập khiễng nếu đem so để tự trách bản thân. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều, dân trí và não trạng dân tộc của nước Đại Nam vào thế kỷ 19 không thể bắt kịp cả hai đất nước ấy. Lỗi đó thuộc về ai? Tất nhiên triều Nguyễn là người nắm quyền phải chịu trách nhiệm về cái bước lỡ đau đớn ấy của dân tộc. Nhưng quy lỗi cho triều Nguyễn thì tất cả chỉ là câu chuyện của quá khứ. Nhìn thấy và thừa nhận chỗ bất cập trong dân tộc tính Việt – xu hướng chia rẽ, thiếu sự bao dung và tầm nhìn xa, thì câu chuyện sẽ không còn đóng lại trong quá khứ, mà là kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai.
Lịch sử nước ta trải qua rất nhiều biến cố và thăng trầm vậy tại sao nhà văn lại chọn những biến cố đó để đưa vào văn học, phải chăng nhà văn có tham vọng muốn giải mã biến cố lịch sử bằng những suy luận của mình?
Tôi không giải thích lịch sử theo suy luận của riêng tôi, mà chỉ muốn trình bày bức tranh lịch sử như nó vốn vậy. Như bạn biết, lịch sử giai đoạn 1858-1885, xoay quanh hai xung đột lớn: xung đột giữa Đại Nam và Pháp , và xung đột giữa hai phái chủ chiến- chủ hòa trong triều đình, sĩ phu và dân chúng thời ấy. Trong một thời gian dài, chúng ta đã tuyệt đối hóa phái chủ chiến, xem phái chủ hòa là xấu xa, bán nước….Từ đó đi đến chỗ mặc định: chủ chiến là chính nghĩa, chủ hòa là phi nghĩa.
Do quan điểm phân biệt đơn giản như vậy, chúng ta đã phải lúng túng khi đánh giá những nhân vật chủ hòa như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trần Tiễn Thành…Và cũng vì tuyệt đối hóa phe chủ chiến mà không ít lần ta đã tôn vinh một vài nhân vật tàn bạo, như Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết...Đó là một điều rất không nên, vì khi ta biện minh cho những hành vi độc ác, là ta đã nuôi dưỡng mầm ác độc trong lòng những thế hệ tương lai.
Nếu cuốn tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân không được đánh giá cao, nhà văn nghĩ gì về điều này?
Như đã nói, với cuốn tiểu thuyết này, tôi muốn viết từ góc nhìn tự nhiên của tôi, một người đọc sử, có cảm xúc và cảm hứng từ lịch sử. Do khác góc nhìn, nên có thể câu chuyện tôi kể có nhiều điểm khác so với một số thành kiến lâu nay. Bởi vì thành kiến được nhắc lui nhắc tới lâu ngày sẽ được nhiều người cho là sự thật, nay mình muốn đi ngược lại cái gọi là sự thật ấy sẽ rất dễ bị phản bác. Khi viết cuốn truyện này, tôi đã hình dung trước việc đó và sẵn sàng chấp nhận.
Theo nhà văn thiên chức của người nghệ sĩ trong thời đại mới là gì? Thời nay có khác gì so với thời xưa?
Thiên chức của tất cả mọi người là làm thật tốt công việc của mình với tất cả lương tâm. Còn nói riêng về nhà văn trong thời đại này? Như bạn biết, đây là thời văn hóa đọc đang bị suy thoái trầm trọng. Lễ hội sách, ngày sách, đường sách, phố sách, ra mắt sách đủ cả, chứng tỏ xã hội đang phải đấu tranh tích cực cho việc đọc sách. Bởi vậy, theo tôi nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà văn là phải viết ra sách mới, và cố gắng làm sao cho người ta thích đọc!
Đối với những người yêu và say mê văn chương muốn đi theo con đường này mà chưa có cơ hội, lời khuyên của nhà văn dành cho họ là gì?
Viết văn là một việc không đòi hỏi nhiều điều kiện bên ngoài, như nhà điêu khắc cần phải có vật liệu, nhà đạo diễn phải có phương tiện làm phim, ca sĩ phải có sàn diễn. ….Nhà văn chỉ cần giấy bút (hoặc laptop, là thứ hầu như ai cũng có). Bởi vậy người viết văn luôn luôn có cơ hội, miễn là có đủ sự đam mê và chấp nhận trả giá.
Điều quan trọng nhất của một người viết là phải luôn luôn duy trì cảm hứng trong cuộc sống của mình, và muốn vậy thì phải đọc, phải đi, mở lòng và mở trí ra để cảm nhận và yêu thương…
Chúc nhà văn dồi dào sức khỏe và có những cống hiến tiếp theo cho ngành văn học nước nhà!