Nguyên tắc giữ gìn sức khỏe ở người cao tuổi
Chăm sóc NCT 22/08/2021 08:40
Theo các chuyên gia và kinh nghiệm của NCT, giữ gìn sức khỏe bằng thuốc men không tốt bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập, giữ gìn sức khỏe bằng ăn uống không quan trọng bằng thường xuyên vận động thân thể, đi bộ, dạo mát, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh, vẩy tay… Giữ gìn sức khỏe không chỉ giữ cho cơ thể khỏe mạnh, mà còn giữ cho tâm trí luôn thanh thản, sảng khoái, luôn vui vẻ, thoải mái. Để tâm hồn thư thái, người già thường tham gia các câu lạc bộ dành cho NCT, đi chợ mua sắm, tham quan du lịch, trở lại chiến trường xưa, giao lưu với bạn bè và chơi đùa cùng con trẻ. Nhiều NCT còn sức khỏe tiếp tục tham gia các đề án nghiên cứu khoa học, viết sách, hồi kí, trông nom các cháu và lao động sản xuất, kinh doanh, vừa vận động thể lực vừa hoạt động trí não. Bởi theo họ, không vận động thân thể thì cơ bắp tất yếu đi; không động não xem sách báo, học hỏi thêm thì rất nhanh bị lẫn.
Có bệnh thì phải dùng thuốc, nhưng bất đắc dĩ mới phải dùng thuốc thôi, điều chỉnh chế độ luyện tập, ăn uống, sử dụng dinh dưỡng hợp lí vẫn là phương án tối ưu nhất. Người xưa khắc phục bất an, rũ bỏ lo lắng, băn khoăn, sầu muộn, u uất trong lòng bằng tiếng cười, bằng sự kiên nhẫn, nhường nhịn, không hiếu thắng. Kiềm chế cảm xúc cũng là hình thức duy trì sức khỏe. Vui quá hại tim/ Buồn quá hại phổi/ Tức giận quá hại gan/ Sợ hãi quá hại thận/ Nghĩ nhiều quá hại tì…
Tham gia các CLB giúp NCT tăng cường vận động và giao lưu, duy trì sức khỏe, tăng tuổi thọ |
Thái độ sống
Đối với sức khỏe, quan trọng hơn cả luyện tập và ăn uống chính là thái độ sống. Người cao tuổi luôn trầm tĩnh, điềm đạm ngay từ cách đi đứng, nói năng và cả trong suy nghĩ. Ngay cả khi bất ngờ rơi vào tình huống khó khăn, cũng bình tĩnh giải quyết, tránh nôn nóng, lo lắng, bứt rứt… Cần biết thích nghi, tự điều chỉnh trước mọi thay đổi. Không để rơi vào thế bị động và cần tỉnh táo biết phục thiện, chấp nhận khách quan không theo ý muốn của mình. Nên cởi mở, thổ lộ, tâm sự với bạn bè; chia sẻ cùng người thân những chuyện vui buồn và cả những khó khăn, không nên để cảm xúc dồn nén kéo dài dễ đau đầu, mỏi lưng, nhức xương khớp. Cũng không nên nói nhiều, nói đi nói lại một việc đã qua, tạo áp lực tâm lí, bất lợi cho sức khỏe. Cần có công việc thiết thực, phù hợp khả năng và điều kiện sức khỏe; sẵn sàng làm việc tốt, gánh vác trách nhiệm, tích cực hòa nhập trong gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, dành một góc cho sở thích, đam mê lành mạnh của bản thân. Tránh cô đơn, trầm lặng, uể oải, dù là việc bình thường, quen thuộc cũng luôn cố gắng làm tốt hơn, thu hút thêm người cùng làm tạo thêm động lực và niềm vui trong công việc.
5 lí sự của NCT
Một quý nhất của đời người là “sức khỏe”. Hai một chút (thoải mái, đại khái) để tâm hồn thanh thản. Ba quên tuổi tác, bệnh tật (nhưng tích cực chữa), tư thù. Bốn cần có chỗ ở, bạn đời, vài người bạn tri kỉ, sổ tiết kiệm. Năm nên làm là hoạt động thể lực, hoạt động trí óc, hài hước, cởi mở, dung dị bình thường.
Tiếng cười thoải mái giúp người cao tuổi xóa tan mệt nhọc, âu lo |
Cười to là kho thuốc bổ
Khi ta mệt mỏi, chán chường chính là lúc ta quên mất vui cười. Nhưng đó mới chính là lúc ta thật sự cần những tiếng cười thật lớn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em trước tuổi đi học cười đến 400 lần một ngày, nhưng thời gian mà chúng ta đạt đến tuổi trưởng thành, chỉ cười trung bình 17 lần mỗi ngày. Điều đó thật tệ hại vì chúng ta rõ ràng cảm thấy những áp lực cứ tăng lên mà không ai nghĩ đến việc phải cười nhiều hơn với bản thân mình.
Cười rất quan trọng đối với sức khỏe, bởi những lí do sau:
1. Vui vẻ làm tăng hệ miễn dịch, điều chỉnh lượng
hormone, hạ huyết áp. Tiếng cười làm giảm mức độ của kích thích tố căng thẳng như cortisol, epinephrine, dopamine, adrenaline và hormone tăng trưởng; làm tăng cường hormone endorphin và các chất dẫn truyền thần kinh. Tiếng cười làm tăng số lượng tế bào sản xuất kháng thể và tăng cường hiệu quả của các tế bào khác, làm nên một hệ thống miễn dịch mạnh hơn, bớt đi tác động vật lí căng thẳng.
2. Cười cũng rất tốt cho hệ hô hấp, cơ bụng, vai, cơ bắp và rất tốt cho tim. Cười 100 lần tương đương với 10 phút chèo thuyền hoặc 15 phút đạp xe. Khi ta cười, phổi sẽ hít vào căng đầy không khí và đẩy khí bẩn có hại ra ngoài. Khi cười, các cơ bắp rung lên, căng lên, tạo sự vận động lưu thông khí huyết trong toàn cơ thể.
3. Cười kích thích cả hai bán cầu não, giúp trí não minh mẫn, tăng cường khả năng hiểu biết và lưu trữ thông tin. Kinh nghiệm cho thấy nếu tạo được không khí vui vẻ, thoải mái trong học tập cho con trẻ, chúng sẽ hiểu nhanh và nhớ lâu hơn. Các nhà nghiên cứu thấy khi có thể hài hước để nhìn một sự việc dù căng thẳng đến đâu cũng trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn.
4. Cười giúp ta bớt căng thẳng. Khi tâm trạng buồn chán, mệt mỏi thường không muốn cười. Khi bạn cảm giác rất muốn cười hoặc muốn khóc, khi đó nghĩa là bạn muốn giải phóng tất cả những dồn nén trong đầu. Điều này sẽ làm bạn có cảm giác tốt hơn về thể chất lẫn tinh thần. Khi có việc không hài lòng khiến ta bực bội, hãy cố nhớ lại một tình huống khiến ta không nhịn được cười. Nó không chỉ giúp quên đi cảm giác bực mình, khó chịu mà còn giúp ta có cách nhìn mới để giải quyết sự việc một cách chu đáo và sáng suốt hơn.
5. Hài hước luôn làm giảm mọi áp lực. Người có tính hài hước thường trẻ lâu, lúc nào thần thái cũng an nhiên, rạng rỡ. Ai chẳng có lúc khó chịu, nhưng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường khi chúng ta biết bắt đầu bằng những câu chuyện cười.
6. Nụ cười là chất xúc tác giúp mỗi người thân thiện, gần gũi nhau hơn. Người lạ gặp nhau cười để thấy thân quen hơn. Bạn bè, người thân cười để tình thân thêm gắn bó. Khi mọi người cùng cười thì khoảng cách không còn nữa và với người đang cười với mình thì ta đã có thể chia sẻ, giải tỏa những lo âu phiền muộn trong lòng. Tiếng cười có thể khiến ta đi từ giận dữ, căng thẳng và cảm xúc tiêu cực chuyển sang vui vẻ tích cực hơn.
Theo một số nghiên cứu gần đây được công bố trong Archives of General Psychiatry cho thấy, NCT sống lạc quan, những người luôn tin những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, ít có khả năng tử vong hơn những người bi quan. Trong thực tế, trong số 65-85 người tham gia nghiên cứu, những người lạc quan chiếm 55%, ít có khả năng chết vì bất cứ các nguyên nhân nào hơn những người bi quan. Hơn nữa, sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các kết quả về tuổi tác, tình trạng hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể chất và các biện pháp khác của sức khỏe, những người lạc quan chiếm 71% ít có khả năng tử vong hơn những người bi quan.