Nguyễn Lý Tưởng – Người thầy luôn hết mình vì học trò
Giáo dục 19/01/2023 09:16
Thầy Nguyễn Lý Tưởng đến với nghề dạy học như một cơ duyên, ước mơ làm giáo viên của thầy được nhen nhóm từ khi còn nhỏ tuổi. Khi thầy còn học cấp hai ở quê nhà thầy được học môn toán với cô Nguyễn Thanh Tâm tại Trường THCS Hải Thanh. Mỗi ngày đến trường thầy luôn ước muốn được học tiết của cô, những giờ dạy của cô luôn sinh động hấp dẫn với nụ cười hiền từ, nhân hậu, dễ mến từ cô. Dường như, cô đem cả thanh xuân, cháy hết mình cho từng bài dạy. Thầy được gieo mầm nghề giáo từ đó, thầy ước sau này, cũng được đem hết tâm sức, nhiệt huyết, vốn hiểu biết của mình để truyền lại cho các thế hệ học sinh như cô. Và cứ thế ước mơ làm nghề giáo lớn dần trong thầy mỗi ngày. Từ ước mơ bình dị được nhen nhóm từ thuở nhỏ, thấy quyết tâm gieo tri thức và niềm tin đến cho học trò, thầy làm việc với tinh thần cống hiến hết mình với phương châm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, đối với mỗi học sinh thầy nâng niu, trân trọng, dìu dắt các em như một người anh, người cha, thầy quý trọng những sự nỗ lực, vượt khó của các em học sinh và mong muốn các em có thể ngày một trưởng thành hơn trên hành trình làm người của mình.
Thầy Nguyễn Lý Tưởng |
Trò chuyện với phóng viên, thầy Nguyễn Lý Tưởng chia sẻ: “Khi mới ra trường, tôi được phân về một trường xã đảo Nghi Sơn, nơi đây được xem là vùng trũng văn hóa của huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn, vì điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đường đến điểm trường khó khăn, đời sống của nhân dân thuần ngư, phụ thuộc vào biển, tỷ lệ học sinh bỏ học cao mỗi năm. Lớp tôi chủ nhiệm năm ấy là lớp 9C có nhiều học sinh vì đời sống kinh tế khó khăn nên bố mẹ đi Nam làm thuê gửi con lại cho ông bà, người thân. Trước tình cảnh ấy, các em cũng không tha thiết với việc học, nhiều em có ý định bỏ học và nghĩ, nếu có học cũng chẳng để làm gì. Thấu hiểu với hoàn cảnh, tâm tư đó, và cũng là người con của biển, thấu hiểu cái mặn mòi lam lũ, vất vả, bất trắc từ cuộc sống gắn bó với biển, tôi luôn gần gũi, động viên, truyền cảm hứng và thay đổi suy nghĩ về ý nghĩa, giá trị của việc học của các em. Tôi đóng vai vừa là thầy, vừa là anh, vừa là bạn của các em. Mỗi ngày lên lớp tôi đều đánh thức khát vọng vượt khó vươn lên trong mỗi em. Trời chẳng phụ lòng người. Lớp học của tôi chủ nhiệm ngày ấy bây giờ có nhiều em thành đạt, thành công trong cuộc sống. Điều đó là niềm tự hào và hạnh phúc lớn nhất với tôi.”
Hoàn cảnh mà thầy gặp phải cũng tương tự như hoàn cảnh của những giáo viên vùng cao đang ngày đêm bám trường, bám lớp để vận động học sinh đến trường, gieo những con chữ đầy yêu thương và hy vọng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu người giáo viên đi vào nghề với mục đích vì tiền bạc thì chắc chắn sẽ không bao giờ bám trụ lâu với nghề nghiệp, bởi nghề giáo viên đòi hỏi nhiều tình thương, nhiều sự nỗ lực để có thể gần gũi, sẻ chia, thấu hiểu với các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Thầy Nguyễn Lý Tưởng lựa chọn theo nghề và sống trọn với nghề bằng mục tiêu tốt đẹp và cao cả, không có toan tính hay vụ lợi mà chỉ làm tròn trách nhiệm với công việc mình đã lựa chọn. Dẫu nhìn lại những năm tháng đã qua so với bạn bè cùng lứa thầy không giàu có về vật chất, nhưng về tình cảm về thành tựu về sự cống hiến, nỗ lực thầy được nhiều thế hệ học sinh và đồng nghiệp ghi nhận. Còn gì quý giá hơn những nỗ lực đó của chính bản thân thầy khi đang miệt mài công tác trong ngành và đang cố gắng đem niềm tin của mình đến cho học sinh cho phụ huynh.
Sách tham khảo của thầy Nguyễn Lý Tưởng |
Dạy học là một nghệ thuật và người thầy chính là một người nghệ sĩ, trong quá trình thực hiện nghề nghiệp của mình, thầy đã gặp phải nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất của một người thầy đó là phải nỗ lực, cần mẫn trau dồi kiến thức và nghề nghiệp của mình nếu không sẽ trở nên lạc hậu, và khó bắt kịp xu thế thời đại. Trong quá trình giảng dạy cho học sinh điều thầy tâm đắc nhất khi dạy học đó chính là sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy – theo tinh thần đổi mới của Bộ trong quá trình dạy và học, thầy chia sẻ: Tôi đã áp dụng phương pháp này trong việc dạy bài mới và củng cố sau mỗi bài học hoặc tiết ôn tập. Trong môn Ngữ văn, so với các phương pháp ghi chép truyền thống, phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy giúp tăng sự hứng thú trong học tập, phát huy khả năng sáng tạo, năng lực tư duy của học sinh; tiết kiệm thời gian, nhìn thấy được bức tranh tổng thể của mỗi bài học, khi nhìn vào sơ đồ tư duy, học sinh sẽ có cái nhìn tổng quát về những kiến thức mình cần ghi nhớ, đâu là trọng tâm, đâu là các ý chính, đâu là các ý phụ”. Bằng việc kiên trì dạy học theo phương pháp này, thầy Nguyễn Lý Tưởng đã có những thành tích đáng ngưỡng mộ:
- Năm học 2010 -2011: Giáo viên dạy giỏi cấp Thị xã. Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Giáo viên cốt cán Thị xã
- Năm học 2011 -2012: Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh. Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Giáo viên cốt cán Tỉnh
- Năm 2012: Giải nhì cuộc thi “ Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa làm theo lời Bác Hồ dạy”.
- Năm 2013: Giấy khen của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đoàn Thanh Hóa.
- Năm 2014: Giải khuyến khích “ Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ”.
- Giấy khen Điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2010 – 2014.
- Năm 2014, 2015: Giấy khen của Đảng bộ xã Hải Thanh
- Năm học 2017 – 2018: Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở
- Năm học 2018 – 2019: Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở
- Năm 2020: Sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp Tỉnh
- Thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 (năm 2020), lớp 7 (năm 2021), lớp 8 (năm 2022).
- Tác giả của 5 cuốn sách tham khảo do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành toàn quốc.
Tuy đạt nhiều thành tích như vậy, nhưng trong quá trình dạy học, thầy vẫn có những tiếc nuối, đó là trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi có những em học sinh thực sự say mê, đam mê với môn Văn; có tố chất học Văn, nhưng đi thi không có giải, đó là một trong những nuối tiếc của thầy mà người đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt đội tuyển như thầy buồn lòng.
Trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiến hành áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc chưa phát triển hết năng lực bản thân, trau dồi tri thức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là điều thiếu sót mà thầy đang cần mẫn trau dồi mỗi ngày. Điều này không chỉ riêng thầy trong quá trình trau dồi rèn luyện nói riêng mà với tất cả các thầy cô đang thực hiện chương trình GDPT 2018 phải ngày đêm cần mẫn, rèn giũa chính bản thân mình để ngày càng dạy tốt hơn, học tập tốt hơn.
Nhân dịp Tết Qúy Mão 2023, tạp chí Ngày mới kính chúc thầy và gia đình sức khỏe, mãi say mê với nghề, và gặt hái nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người.