Người thầy thuốc, cựu binh tận tụy, gương mẫu
Tuổi cao gương sáng 27/02/2023 10:45
Năm 1966, mới 12 tuổi, Phạm Hữu Lộc đã tham gia lực lượng du kích mật ở xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Một năm sau, Lộc thoát li gia đình, trở thành chiến sĩ giao liên của Trạm C16 thuộc Ban Giao liên Quảng Đà. Thông minh, gan dạ và giỏi nhớ đường, Lộc nhiều lần được giao nhiệm vụ đưa đón các đồng chí lãnh đạo, được bình bầu danh hiệu “Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước Trung Trung Bộ”.
Trong một chuyến công tác ở xã Điện An (Điện Bàn, Quảng Nam) năm 1968, Lộc cùng 2 đồng đội là anh Đá và chị Mẹo bị địch phục kích. Anh Đá, chị Mẹo hi sinh, Lộc chạy thoát, sống ẩn trong dân nhiều ngày, do địch càn quét liên tục. Ở quê nhà, mẹ Lộc lại nghe tin là Lộc đã hi sinh đã vật vã, ngất xỉu suốt mấy ngày, rồi lập bàn thờ con. Một thời gian sau, trong chuyến đi công tác ở Hoà Vang, Lộc được đơn vị cho về thăm nhà. Mẹ Lộc tưởng hồn con hiện về, oà khóc, Lộc ôm chầm lấy mẹ và nói: “Con vẫn còn sống đây mà!”
Ông Phạm Hữu Lộc đang khám bệnh. |
Một lần khác, cấp trên triệu tập Lộc về trạm chính để dự họp, nhưng Lộc bị ốm nên chị Năm Nghỉnh, tổ trưởng đi thay. Trên đường đi gặp địch càn, chị Năm Nghĩnh cùng 3 đồng đội xuống hầm bí mật. Không ngờ, địch xăm trúng hầm, ném lựu đạn xuống làm cả 4 người đều hi sinh. Lộc nghe tin dữ, đau đớn thốt lên: “Chị Năm ơi! Chị đã chết thay cho em!”.
Vào một buổi chiều tháng 4/1969, trong chuyến công tác tại thôn Trung Ấp, xã Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam), 3 cán bộ bị trúng bom hi sinh, chỉ có một mình Lộc sống. Giữa nơi vắng vẻ, Lộc vừa khóc, vừa hối hả đào huyệt chôn 3 đồng đội trong tiếng pháo địch ì ầm. Chỉ có một chiếc cuốc cúp, Lộc vẫn cố sức đào huyệt. Mồ hôi ướt đẫm cả áo, người mệt lả, Lộc vẫn không ngơi tay lo chôn cất đồng đội. Mãi đến chạng vạng tối mới xong, Lộc khẩn trương trở về báo cáo với đơn vị…
Cuối năm 1969, ông Lộc được cấp trên đưa ra Bắc học văn hoá, rồi thi đỗ đại học và đã tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1981. Sau đó ông phục vụ trong ngành quân y và làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia. Sau ngày đất nước thống nhất, ông nhiều lần đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, và đã được hài cốt của 3 đồng đội, đưa về cải táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Bác sĩ Lộc nhiều năm công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng với chức vụ Trưởng khoa Răng hàm mặt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Bệnh viện C Đà Nẵng. Đội ngũ CCB nơi đây vẫn nhớ mãi các hoạt động uống nước nhớ nguồn do bác sĩ Lộc tổ chức. Trong cuộc hành quân về Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, các CCB và đoàn viên thanh niên với cơm nắm muối vừng, cùng nhau vượt qua bao lưng đèo dốc núi, tận mắt nhìn thấy Hòn đá Non Nước, Hòn đá Đà Nẵng và nơi làm việc của lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang trong thời kì chống Mỹ. Một điểm nhấn trong chuyến đi ấy là hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và CCB ở xã Hoà Phú.
Đặc biệt, ông Lộc nhiệt tình đóng góp cho công tác từ thiện, nhân đạo. Với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội Từ thiện quận Sơn Trà, ông cùng Ban Chấp hành Hội vận động kinh phí xây 68 nhà tình thương tặng hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 57 trường hợp khác, trao tặng hàng ngàn suất học bổng, tiền, quà, xe lăn cho những người khó khăn, bất hạnh. Riêng cá nhân ông đã hỗ trợ 25 triệu đồng để làm nhà tặng hộ nghèo ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Dù đã nghỉ hưu, ông Lộc vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, khuyến học khuyến tài, hằng năm đóng góp 4 triệu đồng cho Quỹ Đồng đội của Hội CCB quận Sơn Trà. Mới đây, ông ủng hộ 6 triệu đồng cho hoạt động của CLB Tư vấn sức khỏe cựu chiến binh TP Đà Nẵng. Người bác sĩ giàu nhiệt huyết đã được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.