Người cựu tù kiên cường
Tuổi cao gương sáng 03/10/2024 10:22
Ông sinh năm 1944 tại xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối năm 1965 đang học lớp 8, ông làm đơn xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Năm 1967 ông được học lớp trinh sát của Bộ Tư lệnh. Ông cho biết: Theo chương trình đào tạo, lẽ ra phải học 3 năm, nhưng do yêu cầu của cấp trên, nên chương trình rút gọn 18 tháng rồi vào Nam; được học tiếp 6 tháng về công tác đặc biệt. Sau đó, theo yêu cầu của tổ chức, ông khai lại lí lịch, đổi tên là Nguyễn Hồng Phong, đổi quê là Quảng Trị. Đồng thời tiếp tục học tiếng Quảng Trị, học tiếng Anh, học làm y tá. 6 tháng sau, ông được đưa vào đội ngũ quân Ngụy học lớp sĩ quan an ninh Đà Lạt, vào làm bảo vệ Sân bay Nước mặn Đà Nãng.
Ở đây, ông được tổ chức giao nhiệm vụ khảo sát để tổ chức đánh kho bom sân bay Đà Nãng. Đây là thử thách đầu tiên của ông.
Ông Học, cựu tù Phú Quốc. |
Sân bay Đà Nẵng ba bề là sông, ta đưa một trung đội thiếu, mặc quần áo Ngụy trà trộn vào đội bảo vệ sân bay để chuẩn bị chiến đấu. Lần đầu bị địch nghi ngờ do nhận được tín hiệu lạ phát sóng từ khu vực sân bay. Chúng cho lùng sục và cảnh giới nghiêm ngặt. Do đó ông phải báo cáo Bộ chỉ huy tạm hoãn và đưa quân ra an toàn để chờ thời cơ.
Đến năm 1969, xuất hiện tình huống thuận lợi để tiến công, ông báo cáo cấp trên bổ sung lực lượng mặc trang phục lính Ngụy, đeo lon an ninh sân bay đột nhập vào đội ngũ địch. Trận đánh này diễn ra 7 ngày 7 đêm, một phần kho bom của địch bị đánh phá. Đêm thứ 7, ông bị mảnh bom cưa gãy hai đùi, một mảnh đạn găm vào đầu bị thương rơi xuống một hố bom cũ, người thiếp đi vì mất nhiều máu và đói lả. Tình cờ, một tên lính Mỹ đi vệ sinh phát hiện ra ông và gọi trực thăng đưa về Bệnh viện ở Đà Nẵng cấp cứu. Sau 8 tháng chữa lành vết thương, địch tra tấn, hỏi cung, nhưng ông chỉ nói ông là y tá không biết gì. Trong tù, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn nhưng không khai thác được gì, chúng đày ông ra Côn Đảo, sau đó là nhà tù Phú Quốc.
Ông Học cho biết: Ở Phú Quốc ông cùng các đồng chí của mình tiếp tục đấu tranh, lợi dụng sơ hở của địch đưa tù nhân giả chết ra ngoài… Bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn luôn kiên trung với cách mạng, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân.
Năm 1973, ông được trao trả, nhưng vì sức yếu nên ông được ở lại Thanh Hoá an dưỡng một thời gian. Ra quân về quê, ông lấy vợ và sống ở xã Sơn Dương, một xã miền núi phía Bắc dãy núi Tam Đảo. Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Nguyễn Văn Học, cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, một lòng trung với Đảng, hiếu với dân, tích cực tham gia các cuộc vận động của Hội CCB đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc; xứng đáng với tấm Kỉ niệm chương do Thủ tướng Chính phủ trao tặng: “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”.