Người cao tuổi là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền
TW hội 15/01/2022 17:01
Phát huy vai trò các cấp Hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội người cao tuổi Việt Nam khóa VI ra mắt Đại hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Nhiều đại biểu các tỉnh, thành Hội cho rằng, Hội Người cao tuổi cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng, là nơi trực tiếp triển khai thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm và hai chương trình của Hội. Đây cũng là nơi gần hội viên nhất, vì thế Hội cơ sở mạnh thì hội cấp huyện mới mạnh, cán bộ hội cơ sở được tập huấn trang bị kiến thức cần thiết, không chung chung mà phải cầm tay chỉ việc.
Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang Dương Văn Trọng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ hội, nhất là Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở cơ sở rất quan trọng, có tính chất quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Những đồng chí này có uy tín, kinh nghiệm làm việc, sẽ thuận lợi trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở; đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chế độ phụ cấp hàng tháng cho Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi cấp xã, nên đã động viên đội ngũ cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của cán bộ hội cơ sở, ông Trọng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang cho rằng, kinh phí là yếu tố rất quan trọng vì ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của Hội hạn chế, cần đẩy mạnh xã hội hóa cũng như duy trì và phát triển quỹ chăm sóc người cao tuổi.
“Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Bắc Giang hiện nay đạt 115 tỷ đồng, mỗi năm tiền lãi hơn 10 tỷ đồng giúp các chi hội chi cho việc thăm hỏi, tặng quà cho hội viên và hoạt động văn hóa thể thao. Đây là nguồn lực rất quan trọng để hội hoạt động có hiệu quả thiết thực”, ông Dương Văn Trọng cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Thuận Đào Xuân Nay cho rằng, một trong những nội dung chăm sóc người cao tuổi rất có ý nghĩa cần nhân rộng là chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” được Đại hội V tiếp tục đề ra là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân và đáp ứng được nguyện vọng đông đảo, nhiều năm của người cao tuổi.
“Chủ trương này đã góp phần thiết thực cùng với Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chương trình được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, chính quyền, các sở, ban, ngành ủng hộ và đông đảo nguời cao tuổi trong tỉnh hưởng ứng thực hiện, được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao”, ông Đào Xuân Nay cho biết.
Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, đây là một chương trình lớn, phải được thực hiện nhiều năm, mang tính chuyên sâu của ngành y tế và phải có nguồn lực đủ mạnh. Tuy nhiên, không chỉ có ngành y tế hoặc chỉ có Hội Người cao tuổi thực hiện được, mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành cùng sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện và cả cộng đồng, thì chương trình mới thực sự đạt hiệu quả cao.
Từ nhận thức đó, trước khi đi vào triển khai chương trình, Hội Người cao tuổi tỉnh đã sớm báo cáo và đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương. Khi có chủ trương của tỉnh, hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Hội Người cao tuổi tỉnh đã chủ động và có sáng kiến tổ chức nhiều cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ để thỏa thuận và ký kết chương trình phối hợp trong công tác chăm sóc sức khỏe; xác định chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” là một nhiệm vụ rất quan trọng cần thực hiện thường xuyên hàng năm.
Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền
Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những năm qua, Hội Người cao tuổi các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác vận động người cao tuổi, tổ chức hoạt động của Hội Người cao tuổi Thủ đô.
Theo tôn chỉ mục đích, Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam, cần tạo điều kiện cho người cao tuổi, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thời gian qua, Hội Người cao tuổi Hà Nội đã tập trung vào 3 nhiệm vụ thường xuyên: Xây dựng Hội vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và cán bộ; thực hiện tốt chăm sóc người cao tuổi về tinh thần, vật chất, sức khỏe; phát huy tốt tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các cấp Hội Người cao tuổi Thủ đô đã khẳng định được vai trò, vị trí trong đời sống xã hội bằng những kết quả hoạt động cụ thể.
Nhiều ý kiến tham luận tại Đại hội đồng tình và cho rằng, thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách, pháp luật có liên quan đến người cao tuổi như Chỉ thị 59-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Người cao tuổi, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác chính trị tư tưởng của Hội có tác động tích cực, đề cao vai trò, vị trí của người cao tuổi đối với gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc, các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng đảm bảo thực hiện và giám sát thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người cao tuổi được cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Người cao tuổi, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của tổ chức Hội và lớp người cao tuổi, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hội hoạt động.
Các cấp Hội hàng năm căn cứ vào điều kiện, khả năng của mỗi người, khuyến khích động viên và tạo điều kiện để người cao tuổi được phát huy, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, thu hút hàng vạn người cao tuổi tham gia. Người cao tuổi cả nước tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội…
Để phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi, các đại biểu đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét để cho phép Hội Người cao tuổi Việt Nam hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức Hội theo 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở như các đoàn thể khác; Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi để hạ độ tuổi từ 80 tuổi trở lên xuống 75 tuổi trở lên không có lương hưu, không có chế độ Bảo hiểm Xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…