Người cao tuổi cần lưu ý một số bệnh thường gặp dịp Tết
Sức khỏe 26/01/2024 10:54
Các bệnh về tiêu hóa
Đây là vấn đề nhiều người gặp phải trong ngày Tết do chế độ ăn giàu đạm và chất béo, ít chất xơ, sử dụng nhiều đồ uống có ga và cồn làm cho bộ máy tiêu hóa quá tải dẫn đến một số rối loạn như đầy bụng, khó tiêu, táo bón, viêm loét dạ dày, đại tràng… Ngoài ra, ngày Tết thường hay tích nhiều đồ ăn lâu ngày nếu không bảo quản tốt sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến tiêu chảy do ngộ độc thức ăn với các biểu hiện như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy cấp.
Bệnh gout
Là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, thường là khớp bàn - ngón chân với 4 triệu chứng điển hình: Sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin dẫn đến tăng acid uric máu, làm lắng đọng tinh thể natri urat dẫn đến viêm khớp cấp. Chế độ ăn giàu nhân purin như các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, tôm, cua, mực… làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tăng tần suất tái phát bệnh gout. Ngày Tết, những thực phẩm giàu đạm nêu trên lại càng phổ biến, do đó dễ làm khởi phát hoặc tái phát bệnh gout.
Bệnh mỡ máu
Bệnh mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid máu dẫn đến làm tăng các chỉ số triglycerid, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (lipoprotein tỉ trọng thấp), giảm chỉ số HDL-cholesterol (lipoprotein tỉ trọng cao) trong máu. Ban đầu, rối loạn lipid máu không gây ra các triệu chứng cụ thể, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, đặc biệt là sự dư thừa LDL-cholesterol sẽ dẫn đến lắng đọng vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày gây thu hẹp lòng động mạch, cản trở lưu thông máu. Các mảng bám này nếu vỡ ra có thể dẫn đến hình thành cục máu đông gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tắc động mạch chi…
Việc sử dụng thực phẩm giàu chất béo là một trong những nguyên nhân của sự rối loạn này và có thể nặng thêm vào dịp tết do thói quen ăn uống không đúng giờ, chế độ ăn giàu chất béo, đạm, đồ uống kích thích…
Bệnh tiểu đường
Những ngày bình thường, có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết trong máu nhờ chế độ ăn uống, luyện tập khoa học và dùng thuốc đều đặn. Tuy nhiên, vào dịp Tết mọi người thường ăn nhiều hơn, đặc biệt là các thực phẩm giàu tinh bột như bánh chưng, xôi nếp, hay các loại bánh kẹo, mứt tết, nước ngọt khiến cho đường huyết trở nên rối loạn hơn. Đường huyết tăng cao dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên mắt, thận, thần kinh, tim mạch,… Vì vậy, những người bị tiểu đường nên hết sức thận trọng trong việc ăn uống vào ngày Tết.
Bệnh về gan
Ngày Tết mọi người thường uống nhiều rượu bia và đồ có ga hơn bình thường vì phải tiếp khách, liên hoan ăn mừng hội ngộ người thân, bạn bè. Những thực phẩm này đều không có lợi cho gan, làm chức năng gan mất cân bằng và rối loạn trao đổi chất, dẫn đến một loạt các triệu chứng mệt mỏi, mụn nhọt, mẩn ngứa, khó tiêu, vàng da, chán ăn, sụt cân… thậm chí viêm gan do rượu. Bên cạnh đó chế độ ăn giàu chất béo cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Trên đây là những bệnh cần phải lưu ý vào những dịp tết cổ truyền. Vì vậy, để phòng tránh cần phải có kế hoạch ăn uống khoa học. Nhất là những người mắc tiểu đường, mỡ máu hoặc thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
Lời khuyên để kiểm soát bệnh tật trong dịp Tết Nguyên đán
Về chế độ ăn uống: Cỗ Tết của gia đình bạn nên bảo đảm cân bằng về lượng chất xơ, đạm, tinh bột và chất béo.
Để phòng tránh các rối loạn tiêu hóa, không nên ăn quá no, hạn chế mỡ thịt và các loại rượu bia, đồ ngọt, đồ uống có ga. Ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung chất xơ. Có thể dự trữ một vài gói men vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ thêm cho hệ tiêu hóa. Đối với người bị bệnh dạ dày, đại tràng thì không nên ăn đồ ăn cay, quá nóng hoặc quá lạnh.
Đối với người tiểu đường, mỡ máu, việc hạn chế ăn các thức ăn giàu tinh bột, chất béo là rất cần thiết. Trong đó, bệnh nhân tiểu đường nên ăn một lượng nhỏ thức ăn giàu chất xơ trước, sau đó đến thực phẩm chứa đạm và cuối cùng là thực phẩm chứa tinh bột. Nên duy trì chế độ ăn đúng bữa, chia nhỏ các bữa ăn thành bữa chính và bữa phụ, đồng thời không nên bỏ qua luyện tập vì vận động thể dục thể thao đều đặn là biện pháp rất hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, tính trạng lipid máu và cân nặng.
Để phòng tránh mắc hoặc tái phát cơn gout cấp, nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đạm có nhân purin như thịt động vật, thịt cá, tôm, cua.... Đối với hay bị gout tái phát, nên ăn thịt không quá 150g/24 giờ. Không uống rượu, cần giảm cân và luyện tập thường xuyên. Nên uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít/ngày, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14%. Điều này sẽ giúp làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng động urat trong đường niệu, đồng thời, tránh các thuốc làm tăng acid uric máu.
Thay vì uống rượu bia, đồ ngọt, có thể thay thế bằng các loại trà có lợi như trà dây (đối với người bị dạ dày), trà actiso, giảo cổ lam… (đối với người bệnh gan), trà dây thìa canh (đối với người tiểu đường), trà lá sen, lá vối, sơn tra… (đối với người mỡ máu)