Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên đi bộ thế nào?
Sức khỏe 18/03/2024 09:57
Người bệnh COPD nên tập thể dục thường xuyên, vừa sức. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy các loại bài tập tốt nhất cho người bị COPD phụ thuộc vào sức khỏe tình trạng bệnh của từng người. Có thể người bệnh COPD tập kéo giãn, tập nhịp điệu, yoga, đi bộ nhanh, đi bộ chậm... do đó tập thể dục nên có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh COPD cần chú ý nên tập thể dục đều đặn vừa với sức của mình sẽ giúp tăng cường sức khỏe, nhờ đó các bắp thịt chắc khỏe hơn, các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn và giảm bớt nhu cầu oxy, giảm bớt cảm giác khó thở.
Ngoài ra, tập thể dục đều đặn với người bệnh COPD còn giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp… Hiệu quả của thể dục và vận động đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được các nhà khoa học chứng minh rất rõ rệt và là một phần trong chương trình điều trị của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đối với việc đi bộ cũng rất tốt cho người bệnh COPD. Nhưng trước hết mỗi bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hô hấp trước khi bắt đầu tập vận động. Chỉ nên tập vừa với sức mình, mọi sự cố gắng quá mức đều không tốt.
Nếu cảm thấy mệt lúc đang đi bộ hoặc đang tập thể dục có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động. Nên đặt ra chỉ tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cao hơn lần trước, ví dụ hôm nay đi bộ được 15 phút thì sẽ cố gắng đạt 20 phút ở những lần sau và cứ thế tăng dần. Điều này giúp bệnh nhân tăng dần khả năng vận động và có cảm giác vui khi hoàn thành công việc. Nếu chưa hoàn thành được bài tập, đừng quá thất vọng, chán nản: bệnh nhân sẽ thích nghi dần với việc luyện tập.
Cần phải kiên nhẫn tập luyện, hiệu quả của vận động thường chưa thấy được qua vài lần tập đầu mà chỉ xuất hiện sau vài tuần.
Hằng ngày đi bộ nhanh (đi nhanh nhất có thể nhưng đừng chạy và cũng không cần phải gắng sức quá mức). Đi nếu mệt thì dừng lại nghỉ khi nào hết mệt thì đi lại tiếp tục. Thời gian đi ít nhất 30 phút - 1 giờ, tùy theo khả năng. Vào thời gian mát mẻ buổi sáng hoặc buổi tối. Ở khu vực thoải mái an toàn không có xe cộ.
Với người bệnh nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức…
Cần chú ý, mỗi người bệnh COPD đều rất khác biệt nhau ở mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe chung, các bệnh lí đi kèm… vì vậy mỗi bệnh nhân chọn lựa loại hình tập vận động, cường độ luyện tập và tốc độ luyện tập sao cho phù hợp với từng người.
Người bệnh COPD cần chú ý những gì?
Việc dùng thuốc cần theo chỉ định của các bác sĩ. Người bệnh COPD cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên sử dụng đạm và chất béo. Nên dùng chất béo có lợi vì ngoài việc hạn chế làm tăng CO2 máu, nó còn cung cấp năng lượng cao hơn. Các loại chất béo tốt cho người bệnh COPD nên có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế chất béo có nguồn gốc từ gia cầm, động vật có vú, nội tạng động vật…
Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất bằng cách ăn nhiều rau, củ, quả, đặc biệt là rau củ giàu vitamin A, E, C. Trái cây tươi, rau xanh không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn góp phần giúp người bệnh tiêu hóa tốt hơn, hạn chế táo bón.
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần chú ý tránh ăn quá nhiều tinh bột, các thực phẩm dễ sinh hơi. Đó là hành tây, gia vị cay nóng như hạt tiêu, tỏi, ớt… Chế độ ăn quá nhiều tinh bột sẽ làm tăng lượng CO2 trong máu, trong khi đó thức ăn dễ sinh hơi sẽ gây trướng bụng, khiến bệnh nhân khó thở, trào ngược...
Lời khuyên thầy thuốc
Tùy vào từng giai đoạn COPD, tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ và các bệnh lí đồng nhiễm có thể xảy ra như: Cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… mà người bệnh sẽ theo phác đồ điều trị khác nhau, tập trung phối hợp giữa các biện pháp: Tránh hút thuốc lá, sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tiêm chủng đầy đủ, chế độ sinh hoạt - dinh dưỡng lành mạnh và tham gia phục hồi chức năng hô hấp.
Khi thấy có dấu hiệu bất thường, các triệu chứng kéo dài dai dẳng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhằm giảm nguy cơ biến chứng COPD.
Tóm lại: Hiện không có cách điều trị COPD khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị duy trì ở trạng thái ổn định nhất, ngăn chặn bệnh không tiến triển thể nặng, kiểm soát triệu chứng, giảm khó thở, giảm thiểu biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Khi mắc COPD, người bệnh sẽ có các triệu chứng: Khó thở; Ho mạn tính hoặc khạc đờm có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, khói của nguyên liệu, các khói bụi nghề nghiệp.
Người bệnh hay bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần; Ngực có cảm giác đau, thắt chặt; Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; Sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh... Nếu có những triệu chứng này thì nên đến gặp bác sĩ.
Các triệu chứng của COPD đôi khi được cải thiện khi người bệnh ngừng hút thuốc, dùng thuốc điều trị thường xuyên, hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ có thể hoàn toàn trở lại bình thường. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn nhưng mọi người có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống khỏe.