Người bác sĩ Trường Sa
Tuổi cao gương sáng 27/04/2018 10:30
Những ngày trên đảo...
Năm 1974, Trần Công Nghĩa nhập ngũ và được điều vào Quân đoàn 2, ở chiến trường B5, Quảng Trị. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được đơn vị cử đi học văn hoá để thi vào đại học Quân y. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Y, ông được điều về làm ở Viện Quân y 4, Quân khu 4. Khi xảy ra sự kiện Trường Sa ngày 14/3/1988, ông được điều sang tăng cường cho Quân chủng Hải quân và đóng ở đảo Hòn Sẫm, nay là đảo Phan Vinh - mang tên người anh hùng của Đoàn tàu không số huyền thoại.
Thời ấy, đảo Phan Vinh chỉ có 60 cán bộ, chiến sĩ bám trụ. Trên đảo không có cây mà chỉ là một phần nổi khoảng 4.000m2. Lán của bộ đội là những tấm gỗ vớt từ dưới biển lên để ghép lại và được bố trí thành vòng tròn. Ngoài cùng là công sự tiếp đến là nhà ở và trong cùng là sân tập thể dục thể thao. Đảo Phan Vinh còn có một phần là bãi cạn dài khoảng 12km, có hai điểm chốt ở đảo nổi, khi thuỷ triều xuống có thể đi bộ qua được.
Nhắc về những kỉ niệm trên đảo, ông bùi ngùi: “Nhiều kỉ niệm lắm, rất khó quên... Thời ấy khổ, những chiếc dép tông khi hỏng hết không đi được, chúng tôi phải ghép hai đế lại làm một và cố định bằng dây thép gai. Còn sinh hoạt văn nghệ, anh em đã lấy những ống bơ bít bằng bao xác rắn để gõ theo nhịp”. Ông say sưa kể về những kỉ niệm của người lính đảo. Xung quanh là mây trời sóng nước, phía ngoài xa là họng súng kẻ thù... Mạng viễn thông chưa có, tất cả tin nhà nhờ vào vô tuyến, 6 tháng mới có tàu ra đảo. Ông kể: “Để cải thiện bữa ăn, chúng tôi phải tăng gia. Rau xanh trên đảo cũng quý như thuốc vậy. Nhưng cọng rau sam được trồng trong những thùng đạn phía dưới hầm, hay những cọng giá được ủ từ những hạt đậu mà mọt đã ăn gần 1 nửa... được anh em chia đều cho những chiến sĩ bị táo bón, tiêu hoá kém”...
Ông Nghĩa chẩn đoán bệnh qua những tấm phim Xquang
Tôi hỏi: “Thời ấy có nhiều người ra đảo không, ông cảm giác như thế nào khi lần thứ 2 ra trận?”. Ông Nghĩa tự hào: “Nhiều người lắm, còn riêng tôi cảm thấy tự hào lắm và không phải ai cũng có cái vinh dự ấy. Ra đảo, được đứng trên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữa muôn trùng khơi và bốn phía kẻ thù, cảm thấy mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả hơn”.
Mở phòng khám phục vụ Nhân dân
Năm 1991, sau khi rời đảo về lại đất liền, ông về tiếp tục công tác tại Viện Quân y 4. Những ngày đầu khi mới về, ý tưởng lập phòng khám tư trỗi dậy. Năm 1992, phòng khám đi vào hoạt động, nhưng phải sau 3 năm làm “chui”, mới có giấy phép hợp pháp. Lúc đầu phòng khám là nhà cấp 4 được cải tạo từ nhà ở của gia đình. Mãi đến 2002, phòng khám mới xây dựng lại khang trang 5 tầng như hiện nay. Phòng khám hiện có 15 người, làm việc theo giờ hành chính, không kể thứ 7, chủ nhật. Tính đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, phòng khám đã đón khoảng 2 triệu lượt người đến khám.
Bác sĩ Nghĩa tâm sự: “Mình luôn giữ cái tâm với nghề, không chạy theo lợi nhuận nên mới giữ thương hiệu. Năm 2000, mình quyết định thành lập doanh nghiệp và được cấp giấy phép hoạt động của phòng khám bệnh đa khoa. Tuỳ thời kì, do nhu cầu bệnh nhân mà mình đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp”.
Để có ngày hôm nay, ông chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu. Ông được biết đến là người đầu tiên làm công tác xã hội hoá y tế ở xứ Nghệ. Vì là người đầu tiên nên gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa có cơ chế.
Điều ông day dứt là việc mở phòng khám không được nhiều người ủng hộ, thậm chí, nhiều người bằng cách này hay cách khác tìm cách ngăn cản. Ông tâm sự: “Mình là người “cầm đèn chạy trước ô tô”. Tồn tại được đến lúc này là nhờ ý chí và phải đương đầu rất nhiều khó khăn. Chuyển sang mở phòng khám, tôi đã chấp nhận từ bậc sĩ quan xuống thượng sĩ, chấp nhận hưởng chế độ bệnh binh, không có chế độ hưu. Nhưng mình vẫn tự hào vì đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, khi lập phòng khám này, mỗi năm đã nộp hàng trăm triệu tiền thuế, đó cũng là góp phần xây dựng đất nước”
Phạm Thắng