Nghệ nhân có bàn tay tài hoa
Tuổi cao gương sáng 18/05/2018 09:30
Trong dịp kỉ niệm 96 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông được Đại tướng mời về trưng bày bộ tranh có một không hai tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Đại tướng khen ngợi: “Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang với bàn tay điêu luyện và đức tính cần cù, đã khắc nên những bức tranh bằng đá về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta. Tôi đã xem rất cảm động, cảm phục và tôi có lời khen ngợi nghệ nhân…”.
Tôi may mắn tìm gặp được nghệ nhân Triệu Hoàng Giang tại nhà riêng, người đã có hơn 20 năm nay dày công khắc họa hình tượng Bác Hồ trên đá. Trong căn nhà khá khang trang do vợ chồng ông vun đắp, hơn 30 tác phẩm bằng đá, kể về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách.
Năm 17 tuổi, Triệu Hoàng Giang vinh dự được Nhà nước cử sang Bun-ga-ri học tập theo tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ. Chuyên ngành ông theo học là chế tạo cơ khí chính xác. Những năm tháng theo học tại đây, ông thấy nước bạn có rất nhiều tranh khắc đá tại các bảo tàng. Với năng khiếu và niềm đam mê hội họa từ nhỏ, vừa học cơ khí, ông vừa dành thời gian tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc ở một số nước châu Âu.
Năm 1988, sau 10 năm học tập, về nước công tác, nhưng ông lại lên đường sang Bun-ga-ri làm phiên dịch, theo đuổi ước mơ còn dang dở. Đến năm 1991, ông trở về nước và bắt tay thực hiện những tác phẩm chạm khắc đá đầu đời. Ý tưởng là vậy, nhưng khi bắt tay vào công việc ông gặp muôn vàn khó khăn. Bước đầu nhiều lần thất bại với một số loại đá ngoài Bắc giòn, dễ vỡ, ông lại đi tìm hiểu các loại đá khác và may mắn được một người bạn giới thiệu về Thanh Hóa lấy loại đá xanh, mịn, đúng với yêu cầu của chạm khắc.
Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang chia sẻ về các tác phẩm điêu khắc đá
Bức tranh đầu tiên ông chọn để khắc họa là hình ảnh Bác Hồ đang quan sát tại Chiến dịch Biên Giới trên núi Báo Đông (Cao Bằng) năm 1950. Sau nửa năm, tác phẩm thành công ngoài mong đợi. Được vợ con, bạn bè cổ vũ, động viên, ông tiếp tục tạc hình tượng của Bác lên các bức đá như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập”, “Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”, "Hồn nước"- thể hiện hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng năm 1954… Ngoài ra, nhiều tác phẩm khắc đá liên quan đến hoạt động của Bác như bìa sách Nhật kí trong tù, lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuổi Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên (Nghệ An), nhà sàn nơi Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch… Tất cả đều được thể hiện bằng nét khắc tinh xảo, sáng tạo.
Công phu nhất phải kể đến “Bút tích bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác Hồ”. Đây là tác phẩm yêu cầu tỉ mỉ và rất cẩn thận, không được phép sai sót. Mỗi ngày ông chỉ khắc được từ 1-2 chữ. Khi hoàn thành, tác phẩm giống y như bản thảo viết tay của Bác, kể cả những nét gạch xóa. Cho đến nay, ông có hơn 30 tác phẩm điêu khắc đá, kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Bức hoàn thành nhanh nhất mất chừng nửa năm, bức lâu nhất chừng hai năm. Hầu hết các tác phẩm của ông được khắc trên đá khổ 30x40cm, một số bức lớn hơn. Bức lớn nhất là tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa” kích thước 100x120cm, sâu 20cm, mô phỏng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới 1950 của Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, bức này có người trả 2 tỉ đồng, nhưng ông không bán. Vì theo ông, làm nghề bằng sự đam mê và lòng kính trọng, nếu nghĩ về tiền thì không thành tác phẩm được. Những tác phẩm của ông được trưng bày nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân khu 2, bảo tàng Hùng Vương, triển lãm của Bộ Quốc phòng, ATK Định Hóa, Thái Nguyên và tặng bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông chia sẻ: “Hiện giờ sức khỏe của tôi không còn được như trước, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác nghệ thuật khắc đá về Bác, hoàn thành bảy bản thảo Di chúc của Bác Hồ lên đá và mong xây được một bảo tàng thu nhỏ của gia đình, để lưu giữ những giá trị nghệ thuật làm pho sử học tập cho các con, cháu và cộng đồng.
Chia tay ông Giang khi trời đã xế chiều. Hình ảnh một người nông dân bình dị, một người nghệ sĩ với tấm lòng tôn kính dành cho Bác, khiến tôi hết sức xúc động và cảm phục. Hi vọng, bằng bàn tay tài hoa và tấm lòng nhiệt huyết với nghề, ông sẽ đưa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong những tác phẩm điêu khắc đá của mình thành công hơn nữa, vang xa hơn nữa, không những ở trong nước mà còn trên toàn thế giới.
Hà Thiện Hùng