Nền tảng văn hóa, giáo dục cần được quan tâm, đầu tư đúng mức
Giáo dục 30/03/2021 09:22
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiệm kì qua, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã chứng minh cho Nhân dân cả nước thấy một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, vừa xử lí những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lí, phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững. Nhiều đại biểu cho rằng, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, giáo dục và văn hóa là hai yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng cần được Chính phủ quan tâm, đầu tư đúng mức trong thời gian tới...
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phân tích, một trong những vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm là chương trình giáo dục. Sự cố xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lí hoạch định chính sách. Tuy nhiên, việc xử lí trách nhiệm trong việc này còn chưa rõ ràng, minh bạch, gần đây, dư luận lại tiếp tục bức xúc, lo lắng về những vấn đề liên quan đến chính sách dành cho giáo viên; sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ sách giáo khoa, nhập nhằng trong giá sách... Những việc này đã khiến không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh tâm tư trăn trở trong thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu |
Đại biểu khẳng định, người dân lo lắng và chờ đợi một phương hướng xử lí mạch lạc, thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục. Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng trả lời nhưng nói phải đi đôi với làm, chứ đừng để cử tri chờ quá lâu, miệt mài từ nhiệm kì này sang nhiệm kì khác - đại biểu nêu vấn đề.
Phân tích về vấn đề văn hóa, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần có sự đầu tư đúng mức cho văn hóa.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lại trăn trở làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, bệ phóng đưa đất nước phát triển toàn diện? Đại biểu cho rằng, những năm qua, nền tảng văn hóa xã hội ở nước ta vẫn chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa, từ cơ chế chính sách đến các chương trình mục tiêu, nhưng thực tế cho thấy, đạo đức văn hóa vẫn đang xuống cấp và điều này diễn ra ở mọi lĩnh vực…
Cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, giữ gìn và phát triển nền văn hóa nhưng dường như vẫn thiếu giải pháp trọng tâm nền tảng, các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa một cách toàn diện. Theo nhiều đại biểu, trong những lúc nguy nan nhất khi Việt Nam và toàn thế giới đối mặt với đại dịch Covid- 19, cứu cánh hữu hiệu cho con người lại chính là văn hóa. Đó chính là sự tương thân tương ái, tinh thần đùm bọc, sẻ chia tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào để tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, huy động được nguồn lực tài chính, vật chất quan trọng để giúp toàn dân vượt qua được những tình huống khó khăn nhất.
Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, Việt Nam đã có truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời, được duy trì, giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính vì vậy, việc bồi đắp, phát huy văn hóa là việc làm cần được chú trọng trong mọi lúc, mọi nơi mà không có điểm dừng.