Mỹ đang đẩy Iran vào “vòng tay” Trung Quốc?
Câu chuyện quốc tế 11/08/2020 09:34
“Cuộc chiến” trong chính trường Iran
Khi ông Hassan Rouhani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013, dường như đó là thời điểm thuận lợi và dễ dàng để tiến hành đàm phán với Mỹ nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa hai bên. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng khi nhiệm kì của ông Hassan Rouhani đã bước sang năm thứ 7 nhưng mối quan hệ Mỹ - Iran vẫn trượt dài trong những căng thẳng và bất đồng.
Giành chiến thắng năm 2013, ông Rouhani hứa sẽ nỗ lực làm giảm căng thẳng với phương Tây. Sự dịch chuyển này của Tổng thống Rouhani đã tạo nên những quan điểm trái chiều trong lòng Iran giữa một bên là phe cải cách hướng về phương Tây và một bên là những người có đường lối cứng rắn ủng hộ Trung Quốc.
Mỗi lần lãnh đạo Iran thay đổi với sự dịch chuyển về lập trường theo một trong 2 xu hướng trên, điều đó lại có tác động đáng kể đến hướng chiến lược của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Chính phủ của Tổng thống Mohammad Khatami theo xu hướng đổi mới (1997 - 2005) từng cải thiện mối quan hệ với các nước châu Âu, nhưng khi ông Ahmadinejad trở thành Tổng thống từ năm 2005 - 2013, ông lại tập trung chính sách đối ngoại vào việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với Nga và Trung Quốc. Cuối nhiệm kì của ông Ahmadinejad, khi các lệnh trừng phạt quốc tế khiến nền kinh tế Iran điêu đứng, công chúng lại một lần nữa muốn chuyển hướng quay về phía phương Tây.
Ông Rouhani đã nắm bắt được tâm lí này và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013 bằng cách hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề xoay quay lệnh trừng phạt quốc tế và chương trình hạt nhân. Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran mà nhà lãnh đạo này đàm phán với các nước phương Tây đã được kí kết.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tehran, Iran ngày 23/1/2016. Ảnh: AFP |
Iran đang sa vào “vòng tay” Trung Quốc
Những đối thủ theo đường lối cứng rắn của ông Rouhani đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Iran về cái mà họ gọi là “sự xoay trục sang phương Tây”. Một mặt, giới “diều hâu” (những người có quan điểm cứng rắn) của Iran cảm thấy sự tương đồng về thể chế chính trị với Trung Quốc và Nga, trong khi mặt khác, nhiều người lo ngại nếu Iran phát triển mối quan hệ kinh tế với các công ty châu Âu và Mỹ có thể làm gián đoạn hoặc hủy hoại quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc.
Những yếu tố trên đã buộc Tổng thống Rouhani phải cân bằng trong quá trình đàm phán với phương Tây và khi Tổng thống Barack Obama vẫn đương nhiệm, việc này diễn ra khá thuận lợi.
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống với những thay đổi về quan điểm và chính sách, những hi vọng của chính quyền ông Rouhani đã sụp đổ. Thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018 khiến những thành quả của ông Rouhani và đồng minh bị xóa nhòa. Sau hơn 2 năm đối mặt với nền kinh tế suy thoái, ông Rouhani dường như chấp nhận rằng, cách duy nhất để “cứu” Iran là “xoay trục” về phương Đông.
Ngày 21/6/2020, một thỏa thuận 25 năm giữa Iran và Trung Quốc đã được nội các Iran thông qua. Các nội dung chi tiết về thỏa thuận vẫn chưa được công khai. Trong khi thỏa thuận này được cho là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế thì có nhiều đồn đoán nhận định rằng, thỏa thuận này sẽ bao gồm cả các yếu tố về quân sự.
Bất kì thỏa thuận quốc phòng nào đều sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác an ninh giữa Tehran và Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Nga và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman vào tháng 12/2019. Theo một số đồn đoán, thỏa thuận gần đây giữa Iran và Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp cận đảo Kish ở vịnh Ba Tư.
Mặc dù thỏa thuận trên vẫn chưa được chính phủ 2 nước thông qua nhưng đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những người cùng chí hướng với ông Rouhani đã yếu thế hơn trong việc bảo vệ lập trường của mình.
Tuy nhiên, chiến lược gây sức ép tối đa với đường lối cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đã buộc Iran phải đưa ra lựa chọn và các nhà lãnh đạo Iran dường như ngày càng cảm nhận rõ, Trung Quốc là lựa chọn duy nhất còn lại của họ.