Một số giải pháp chăm sóc, phát huy vai trò NCT đáp ứng yêu cầu thời kì mới
Chăm sóc NCT 02/01/2023 09:00
Thực hiện đường lối của Đảng về NCT, Nghị quyết Đại hội Hội NCT Việt Nam lần thứ VI, trong thời gian qua công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT đã đạt được những thành tựu như sau:
Những kết quả cơ bản trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT
Về chăm sóc NCT: Hệ thống chính sách về chăm sóc NCT được Nhà nước thể chế hóa ban hành, ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội cho công tác chăm sóc NCT ngày càng tăng; theo tổng hợp của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện nay, các cơ quan BHXH đã chi trả chế độ hưu trí hằng tháng cho gần 2,7 triệu người, cả nước có hơn 4,94 triệu NCT sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng (trong đó có 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng). Hằng năm Hội NCT đã phối hợp với chính quyền tổ chức chúc thọ, mừng thọ 1,1 triệu NCT; có 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, gần 4 triệu NCT được khám sức khoẻ định kì; trên 95% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77.000 câu lạc bộ (CLB) của NCT ở cơ sở, với nhiều loại hình hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu NCT tham gia. Đặc biệt, đã thành lập gần 4.000 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170.000 người tham gia. Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước và ngoài nước đánh giá cao, đoạt giải Nhất trong giải “Sáng kiến vì một Châu Á già hoá khoẻ mạnh”.
Về phát huy vai trò NCT: Người cao tuổi đã phát huy vai trò trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các hoạt động như: NCT tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia công tác hoà giải; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; NCT tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo; các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở địa phương...
Theo số liệu tổng hợp hiện nay có trên 6,5 triệu NCT đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; NCT đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3.000 tỉ đồng, hiến 24,4 triệu mét vuông đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, cơ sở y tế,... góp phần xây dựng nông thôn mới; 64% số hội viên Hội Khuyến học là NCT; 656.000 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra Nhân dân, hoà giải ở cơ sở; có trên 300 nghìn NCT tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Những hạn chế trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT
Tuy đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT (chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội…), nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận NCT. Hiện cả nước mới có khoảng 40% NCT được hưởng lương hưu, BHXH, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 60% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình. Trong tổng số gần 11,4 triệu NCT thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu, hơn 8 triệu NCT còn lại không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội. Khi so sánh tương quan với các độ tuổi khác, NCT chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Hệ thống chính sách chưa phát huy hiệu quả trong khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ NCT để bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, học tập, giải trí, rèn luyện sức khỏe, môi trường thân thiện...
Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT đã bước đầu hình thành, phát triển, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa, vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT. Ở một số địa phương còn tình trạng các bác sĩ xử lí một cách “đại khái” đối với tình trạng bệnh tật của NCT hoặc sử dụng các hướng dẫn chăm sóc dành cho những người trẻ tuổi. Quá trình chuyển đổi nhận thức, quan niệm từ “NCT là gánh nặng” thành “NCT là tài sản” còn chậm, chưa có các giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc NCT.
Một số quy định của Luật NCT còn những bất cập, cần được điều chỉnh, sửa đổi. Tuy đã quy định một chương về phát huy vai trò của NCT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, pháp luật,… nhưng các quy định này được Nhà nước thể chế hóa chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu đồng bộ, cân đối giữa 2 lĩnh vực chăm sóc NCT và phát huy NCT (trong Luật NCT có 13 điều quy định về chăm sóc NCT, song chỉ có 2 điều quy định về phát huy vai trò NCT; trong Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 có 11 nhiệm vụ, giải pháp về chăm sóc NCT, song chỉ có 1 nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò NCT; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chăm sóc sức khoẻ NCT đến năm 2030 song chưa có Chương trình phát huy vai trò NCT...). Vì vậy, hiện nay, phần đông NCT ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ pháp lí cho NCT.
Một số giải pháp về công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT
NCT luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam, là một chủ thể tích cực tham gia vào sự phát triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Để khắc phục những hạn chế trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT, cần có những giải pháp đồng bộ về hoàn thiện thể chế; Nhà nước và xã hội cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận đối với vấn đề NCT, đồng thời, thực hiện một số giải pháp chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trên các lĩnh vực một cách hiệu quả như sau:
Thứ nhất, tham mưu và thực hiện tốt khoản 3, điều 37 của Hiến pháp năm 2013 hiến định “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT đã được quy định trong Luật NCT. Trong công tác tuyên truyền và giáo dục, nhất là truyền thông cần có chiến lược để thúc đẩy sự thay đổi, nâng cao nhận thức, định kiến không đúng về NCT, những biểu hiện của phân biệt đối xử tiêu cực đối với NCT như “gắn nhãn” với các khuôn mẫu, hình ảnh run rẩy, yếu đuối, cô đơn…, thay vào đó là hình ảnh toàn diện, tích cực của NCT trong gia đình và trong các hoạt động xã hội. Thay đổi quan niệm nhận thức “NCT là gánh nặng” sang thành “tài sản” của gia đình và xã hội, chú ý tuyên truyền, khẳng định các quyền, vai trò và trách nhiệm của NCT, là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội. Đi đôi với các biện pháp giáo dục, truyền thông, cần có chế tài, xử lí nghiêm, có tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về NCT, xâm phạm quyền của NCT.
Thứ hai, các cấp Hội/Ban đại điện Hội NCT các địa phương cần thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng của Ban Chấp hành Hội NCT cấp xã, tổ chức thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc NCT; Phát huy mạnh mẽ vai trò NCT tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, 3 chương trình công tác “Chung tay chăm sóc NCT có hoàn cảnh khó khăn, NCT cô đơn không nơi nương tựa: NCT tích cực tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo và phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội: NCT xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao gồm: Nâng cao hiệu quả Tháng hành động vì NCT Việt Nam và nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
Thứ ba, bổ sung, sửa đổi Luật NCT, tiếp tục ban hành các chính sách sửa đổi một số hạn chế, bất cập, trong đó có hướng dẫn về các quy định liên quan đến việc phát huy vai trò NCT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần thay đổi nhận thực trong định hướng chính sách về NCT, có tác động đến việc thụ hưởng các quyền và sự đóng góp của NCT vào sự phát triển của đất nước. Triển khai, thực hiện các chương trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về NCT không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà cần bao hàm nhiều khía cạnh khác như nhu cầu và phát huy năng lực; tác động của các chính sách hiện hành đến đời sống của NCT để có cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung và thực thi chính sách được tốt, sát thực tiễn.
Thứ tư, xây dựng và triển khai các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho NCT. Thực tế với điều kiện hiện nay, nhiều NCT vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Cần có sự bố trí thời gian, nguồn lực và môi trường làm việc phù hợp để NCT đóng góp cho xã hội ở các mức độ và điều kiện khác nhau, các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho NCT cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của NCT. Các chính sách chăm sóc NCT cần đồng bộ, tính đến các điều kiện thuận lợi và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến NCT như: Y tế, văn hóa, xã hội, giao thông, xây dựng…