Một người thầy nhiệt huyết và tài năng
Giáo dục 06/08/2021 07:44
Những kí ức sâu sắc
Thầy Thắng sinh ra và lớn lên ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong gia đình nhà Nho, ông nội là cụ Tư Liệp, một thầy đồ nổi tiếng nghiêm khắc. Từ khi mới 5 tuổi, thầy Thắng đã được ông nội dạy chữ Nho. Sáng sớm mỗi ngày, cụ Tư Liệp ra vườn cắt mấy tàu lá chuối tươi đem vào, lấy rơm đốt lên hơ lá chuối cho héo (nhằm làm cho lá dẻo), rồi xé ra từng miếng nhỏ bằng tờ giấy vở học sinh, dùng giẻ lau sạch để viết chữ lên đó. Ông nội làm cho cây bút bằng cách lấy miếng tre vót ra như chiếc đũa, gọt bỏ ruột lấy cật, mứt nhọn rồi đập cho dập như mũi bút lông. Từ rạng sáng, thầy Thắng phải mài mực trong cái nghiên để ông nội sử dụng và thầy dùng mực ấy để tập viết.
Khi đến tuổi thiếu niên, xã Điện Tiến bị địch đánh phá ác liệt, gia đình đưa thầy ra ở trọ tại Đà Nẵng để đi học. Vừa học vừa đi dạy kèm để trang trải một phần chi phí học tập, vậy mà năm học nào thầy Thắng cũng được xếp loại học sinh xuất sắc. Thầy học cả Anh văn và Pháp văn, trong đó Anh văn là sinh ngữ chính. Dày công học tập, nghiên cứu, nên thầy Thắng am tường nhiều lĩnh vực và nhận thấy Anh văn có nhiều điểm giống Nho văn.
Thầy Nguyễn Đức Thắng giảng bài “Tùng sư”. |
Nỗ lực truyền dạy chữ Nho
Thầy Thắng vận dụng cả Anh văn, Pháp văn vào quá trình giảng dạy chữ Nho. Những bài giảng của thầy hết sức sống động, hấp dẫn, chuyển tải kiến thức cho người học một cách căn bản, hệ thống với nhiều nội dung bổ ích. Theo thầy Thắng, chữ Nho được coi là vốn quý của dân tộc, hiện còn nhiều trên các hoành phi, câu đối, đình, chùa, nhà thờ, bia mộ và các văn bản xưa, do đó, cần phải truyền dạy chữ Nho giúp học viên đọc cho được những nội dung của ông cha ta ngày xưa để lại.
Tại Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, thầy Thắng xây dựng 2 giáo trình dạy chữ Nho, gồm giáo trình dạy cơ bản và giáo trình dạy nâng cao. Với giáo trình dạy cơ bản, mỗi bài dạy từ 7- 10 chữ trên cơ sở sách “Hán Văn giáo khoa thư”, do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2016; chủ yếu dạy chữ Khải thư - loại chữ chân phương, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc và phổ thông nhất trong 5 kiểu chữ Hán. Còn ở giáo trình dạy nâng cao, thầy Thắng dựa vào bộ sách “Đại Việt sử kí toàn thư”, soạn thành các bài giảng phù hợp với trình độ của học viên, giúp học viên hiểu kĩ hơn về lịch sử nước nhà. Đơn cử như giảng về tác phẩm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt làm cho học viên hiểu nguyên văn chữ Nho của bài thơ được ví như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Hay như bài “Hoàng Sa đảo” của nhà bác học Lê Quý Đôn nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, góp phần tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... Tại giáo trình dạy nâng cao, học viên được học đủ 5 kiểu chữ Hán: Khải thư, Triện thư, Lệ thư, Hành thư và Thảo thư, trong đó đi sâu vào Khải thư và Thảo thư.
Từ cuối tháng 4/2021, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng chuyển sang dạy và học trực tuyến trên zalo “Nho học Đà Nẵng” nhằm phòng, chống Covid-19. Thầy Thắng kết nối zalo với tất cả học viên và xây dựng quy chế học chữ Nho thông qua zalo “Nho học Đà Nẵng”.
Dẫu gần tuổi “thất thập cổ lai hi”, ngày ngày, thầy Thắng vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao kiến thức. Thầy rất giỏi tin học, sử dụng thành thạo các chương trình chuyên sâu trên vi tính. Đặc biệt, thầy Thắng luôn tận tình hỗ trợ dịch sắc phong, gia phả, viết câu đối bằng chữ Nho cho bất cứ ai có nhu cầu. Nói về người thầy mẫn tiệp này, Lão Nho Huỳnh Phương Bá, nguyên Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng nhấn mạnh: “Thầy Thắng nổi bật về nhiệt huyết và tài năng, có nhiều công trình nghiên cứu chữ Nho tại các đình, chùa, nhà thờ trên địa bàn thành phố; tích cực làm gia phả cho các tộc họ tại Đà Nẵng và các địa phương khác; đã dịch hàng trăm tư liệu chữ Nho thành chữ Quốc ngữ để phục vụ bạn đọc và các cơ quan chức năng; góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng”.