Mổ cấp cứu bệnh nhân bị thủng tá tràng do nuốt tăm tre dài 5cm
Y tế 13/01/2024 16:16
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân N.T.T (42 tuổi), ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn và hố chậu phải, các cơn đau tăng dần, không rõ nguyên nhân.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy, bệnh nhân bị thủng tá tràng D3, phản ứng viêm phúc mạc. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp 1 đã chỉ định mổ cấp cứu xử trí tổn thương.
Hình ảnh dị vật que tăm dài 5cm đâm thủng tá tràng của bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ổ bụng bệnh nhân có mủ tập trung vùng dưới gan. Kiểm tra D3 tá tràng phát hiện khối tổn thương dạng áp-xe bên trong có dị vật là tăm tre dài 5cm đâm thủng tạo thành ổ viêm.
Sau một ngày phẫu thuất lấy dị vật và xử trí tổn thương, sức khỏe bệnh nhân ổn định và phục hồi tốt. Bệnh nhân có thể đi và tập ăn được.
BSCKII Lê Thanh Hoài, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 1, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: Trường hợp thủng tá tràng do nuốt phải dị vật của bệnh nhân T. rất hiếm gặp. Việc xử trí tổn thương ở vùng này rất khó khăn. Bởi, tá tràng D3 là vùng tập trung rất nhiều dịch mật như dịch ruột, dịch dạ dày và dịch tụy nên nguy cơ biến chứng rò mật sau mổ rất lớn.
Hơn nữa, dù đã chụp cắt lớp ổ bụng song rất khó xác định được nguyên nhân thủng tá tràng do không nhìn thấy dị vật que tăm trên phim chụp.
BSCKII Lê Thanh Hoài thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC |
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nhân nuốt phải dị vật tương tự như: Hóc xương cá, vỏ thuốc, que nhỏ,... Theo các bác sĩ, dị vật có thể đâm thủng bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa gây nên tình trạng viêm, áp-xe, viêm phúc mạc dẫn đến nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng tăm tre sau khi ăn hàng ngày. Đặc biệt, tuyệt đối không ngậm tăm trước khi ngủ.