Mercedes-Benz Việt Nam nói gì về chiếc GLC 200 "tự bốc cháy", nằm đắp chiếu hơn nửa năm?
Thị trường 04/01/2021 13:25
Chiếc Mercedes-Benz GLC 200 được khách hàng mang diễu phố, bức xúc với cách xử lý chậm chạp của MBV. |
Chính vì vậy, hãng Mercedes-Benz đã không công nhận kết quả giám định vụ cháy xe mà Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Chương Mỹ cũng như giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã đưa ra.
Trở lại với diễn biến sự việc trước đó, ngày 29/6/2020, chiếc Mercedes-Benz GLC 200 do Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ đứng tên đã bất ngờ bốc cháy ngay tại khuôn viên công ty. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.
Trong thông báo kết luận giám định của cơ quan này nêu rõ: “Nguyên nhân gây cháy theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện nối từ ắc-quy sang hộp cầu chì làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy xe ô tô BKS 30F- 435.01, nhãn hiệu Mercedes-Benz GLC 200 (tự gây cháy), không có tác động của ai khác hoặc do nguyên nhân khác".
Mặc dù có kết quả từ cơ quan điều tra nhưng đơn vị mà chủ xe mua bảo hiểm là công ty CP Bảo hiểm Bảo Long đã từ chối bồi thường cho chiếc GLC 200 bị cháy và đẩy trách nhiệm sang MBV.
Về phía MBV, đại diện của hãng và Đại lý uỷ quyền Mercedes-Benz An Du cũng đã có những động thái xử lý sau khi nhận được yêu cầu từ phía chủ xe. Chiếc GLC 200 đã được kiểm tra bởi các chuyên gia kỹ thuật của Tập đoàn Daimler vào ngày 10/8/2020, tại xưởng dịch vụ An Du Phạm Hùng.
Cụ thể, "Nguyên nhân gây ra vụ cháy được xác định không đến từ hiện tượng đoản mạch (chập điện) của dây dẫn nối từ bình ắc quy đến hộp cầu chì, gây cháy lan ra xung quanh thông qua tấm ốp bảo vệ" - đại diện MBV cho hay.
Theo MBV thì bình ắc quy ở bên trái của xe không có dấu hiệu quá nhiệt. (Ảnh: MBV) |
Đại diện của MBV cũng khẳng định hình ảnh ghi lại trong quá trình giám định cho thấy bình ắc quy vẫn hoạt động bình thường và hệ thống dây điện không hề có dấu hiệu đoản mạch/chập điện. Trong khi đó, khu vực bị ảnh hưởng bởi nhiệt tập trung ở phía trước, bên phải của xe và tàn tro của giấy xuất hiện ở ngay dưới cản trước.
Hiện trường cho thấy khu vực này là nơi bắt nhiệt với cản trước, khung nhựa của quạt tản nhiệt và vòm bánh xe ở phía bên phải đã biến dạng từ dưới lên. Do đó, lửa đã bắt nguồn từ dưới lên ở khu vực này, cháy xuyên qua các khoảng trống ở gầm xe và khoang bánh xe bên phải ở mặt trong, từ đó làm biến dạng góc phải tấm cách âm ở dưới nắp capo và ảnh hưởng một phần đến các chi tiết nhựa ở phía bên phải khoang máy.
Dựa trên những kết quả kiểm tra kể trên, nguyên nhân gây cháy xuất phát từ nguồn nhiệt bên ngoài và đó là lý do tại sao MBV và đại lý đã không đồng ý với ý kiến cho rằng nguyên nhân vụ cháy là do lỗi kỹ thuật của sản phẩm.
Chủ xe đã mang chiếc Mercedes Benz GLC 200 bị hư hỏng đi diễu hành nhiều con phố ở Hà Nội do chưa được giải quyết. (Ảnh I.E) |
Chính vì vậy, hãng MBV đã không công nhận kết quả giám định vụ cháy xe mà Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Chương Mỹ cũng như giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã đưa ra.
Chưa biết sự việc trên sẽ được giải quyết thế nào nhằm thỏa mãn các bên, nhiều ý kiến cho rằng MBV đã quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt khi giải quyết sự việc. Việc xử lý thiếu chuyên nghiệp đã gây ra những tổn thất không nhỏ về cả kinh tế lẫn tinh thần cho khách hàng (chủ nhân của mecedes GLC 200 bị cháy) và sự việc trên sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của một thương hiệu xe hơi nổi tiếng trên Thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chủ nhân của mecedes GLC 200 đã mua bảo hiểm thì bất luận thế nào khi chiếc xe xảy ra sự cố, đơn vị vị bảo hiểm (ở đây là công ty CP Bảo hiểm Bảo Long) phải bồi thường cho khách hàng đã rồi xử lý các bước tiếp theo. Sau đây là ý kiến của thành viên L.T trên diễn đàn ô tô nhận được hàng trăm ý kiến đồng tính, ủng hộ:
Thành viên L.T viết: Thông thường, quy trình bồi thường bảo hiểm xe đi qua 4 bước: Tiếp nhận yêu cầu => Giám định tổn thất => Lựa chọn phương án bồi thường => Hoàn thiện hồ sơ. Vụ việc trên đang tắc ở bước thứ ba.
Nguyên do, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long cho rằng, chiếc Mercedes Benz GLC 200 đang nằm trong thời hạn bảo hành của hãng xe cộng với kết luận giám định của Viện KHHS là xe tự gây cháy, nên Bảo Long không bồi thường. Ngược lại, hãng xe bảo, cháy không do lỗi kỹ thuật, từ đó dẫn đến việc từ chối bảo hành.
Tất cả các hợp đồng bảo hiểm đều không rắc rối như người ta nghĩ, nó chỉ gói vỏn vẹn vài trang giấy. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng những gì quan trọng nhất liên quan đến việc bồi thường lại nằm trong một bản quy tắc do các Công ty bảo hiểm soạn ra.
Trong bộ quy tắc này, luôn có một câu đại ý: "Trong trường hợp tổn thất do bên thứ ba gây ra, chủ xe phải hợp tác với Công ty bảo hiểm để đòi tiền từ bên thứ ba này, trong phạm vi số tiền đã hoặc sẽ được Công ty bảo hiểm bồi thường..."
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, trường hợp người thứ ba gây thiệt hại và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, trước tiên Công ty bảo hiểm phải chi trả cho người được bảo hiểm đã, rồi mới đi đòi bên thứ ba (nếu có). Giả sử bên thứ ba thiệt mạng, không còn tài sản hay người thân, không lẽ người mua bảo hiểm đành chịu thiệt hại vì Công ty bảo hiểm không đòi được bên thứ ba? - Thành viên L.T phân tích.
Xét theo logic trên, thành viên L.T cho rằng: Trong trường hợp chiếc GLC 200 trên bị cháy, công ty bảo hiểm Bảo Long phải bồi thường cho chủ xe trước đã. Việc yêu cầu hãng xe tiến hành bảo hành sau đó mới tính. Thế hãng MBV ở đây hoàn toàn đúng? Chúng ta chưa hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Giám định của chuyên gia hãng không phải là cơ sở để bác bỏ kết luận của Viện KHHS. Muốn khiếu nại về kết luận của Viện KHHS, hãng phải mời chuyên gia độc lập khác vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ khi bị đưa ra toà và từ chối bảo hành, hãng may ra mới làm việc này. Còn hiện tại, chả tội gì!