Manulife Việt Nam lỗ lũy kế gần 8.000 tỷ đồng dù liên tục dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới
Đầu tư - Tài chính 09/03/2023 16:21
Số liệu thống kê về hoạt động ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2022 do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố cho thấy: Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 25.111 tỷ đồng giảm 2,3 % so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng.
Liên tiếp dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới nhưng Manulife đã liên tục thua lỗ và gánh lỗ lũy kế lên đến 7.961 tỷ đồng.
Ảnh: camnangbaohiem.vn |
Theo số liệu kết quả kinh doanh: Năm 2021, Manulife có doanh thu tăng đáng kể, tăng 4.444 tỷ đồng, tương đương 22,6% so với năm 2020. Nguyên nhân là do Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh, từ 19.667 tỷ đồng lên 27.794 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chi phí tại Manulife cũng đi lên. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 2.094 tỷ đồng lên 2.485 tỷ đồng; Chi phí bán hàng tăng từ 4.829 tỷ đồng lên 5.546 tỷ đồng; Chi phí hoạt động tài chính tăng từ 487 tỷ đồng lên 807 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Manulife từ năm 2016 trở lại đây khá bấp bênh, khi lãi khủng, khi lỗ đậm. Cụ thể, năm 2016 lãi 372 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 993 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 2.177 tỷ đồng; năm 2019 lãi 1.014 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 1.642 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế tại Manulife tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 7.961 tỷ đồng sau khi công ty thua lỗ 4.741 tỷ đồng trong nhiều năm qua và ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.
Trên thị trường bảo hiểm, nếu so với các đối thủ cùng phân khúc, cùng thời điểm, Manulife là đơn vị có doanh thu lớn hơn nhưng lại lỗ vượt trội, cụ thể:
Năm 2021, Manulife thua lỗ nặng thì Prudential lại có lợi nhuận tăng. Tại ngày 31/12/2021, lãi lũy kế của Prudential đạt 8.922 tỷ đồng. Một công ty bảo hiểm khác là Dai-ichi Life Việt Nam có quy mô vốn và doanh thu thấp hơn Manulife. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Dai-ichi Life Việt Nam tại ngày 31/12/2021 lên đến 5.400 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận Lợi nhuận sau thuế tăng đáng kể từ 1.650 tỷ đồng lên 2.003 tỷ đồng, từ đó giúp Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn đạt tới 4.475 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Thời gian gần đây, Manulife Việt Nam cũng là công ty bảo hiểm dính lùm xùm tai tiếng liên quan đến việc Hợp tác phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance).
Theo tìm hiểu, kênh này được Manulife Việt Nam thiết lập từ năm 2009 và hiện tại đang hợp tác phân phối bảo hiểm với 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Bancassurance góp phần không nhỏ giúp doanh thu Manulife bứt tốc trong nhiều năm qua. Năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm của Manulife vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 24.505 tỷ đồng, tăng 9.799 tỷ đồng, tương đương 66,6% so với năm 2016.
Thế nhưng, mảng bancassurance của Manulife đang gặp rất nhiều tai tiếng khi khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tố nhân viên của ngân hàng này lừa đảo, biến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng thành hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, trả lời trên báo Dân trí, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã nhận được đơn thư tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty TNHH Manulife Việt Nam giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Hiện vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu SCB trả lời việc ‘hô biến’ tiền tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ của 33 người |