Lớp học tiếng Anh đặc biệt của người cao tuổi
Vì Người cao tuổi 02/12/2022 09:47
Theo chân bà Phạm Bích Hợp, Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, chúng tôi đến thăm lớp học tiếng Anh miễn phí cho NCT nằm sâu trong ngõ 325 phố Kim Ngưu. Đều đặn chiều thứ Ba hằng tuần, các cụ ông, cụ bà, trong đó có người năm nay đã ngoài 80 tuổi lại tập trung đến lớp để học tiếng Anh miễn phí. Nhiều học viên mái đầu bạc trắng, mắt yếu, tay run, song không khí lớp học luôn sôi động.
Cụ Nguyễn Thị Lộc (80 tuổi) cùng chồng là cụ Nguyễn Văn Ánh (82 tuổi) dành căn phòng nhỏ khoảng 20m2 trong ngõ 325 phố Kim Ngưu để mở lớp học tiếng Anh. Lớp học có 12 học viên, gồm 11 cụ bà, 1 cụ ông. Người nhiều tuổi nhất là 85, còn ít tuổi nhất cũng đã 60. Các cụ bà thường diện những bộ áo dài nhiều màu sắc để nhớ lại cảm giác ngày trẻ đi học và thể hiện sự tôn trọng giáo viên. Lớp tiếng Anh miễn phí này do Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập từ năm 2019 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước với mong muốn giúp người già không còn cô đơn, tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Một buổi học tiếng Anh của người cao tuổi. |
Điều gây xúc động mạnh đối với chúng tôi tại lớp học là bà Nguyễn Thị Thìn, 70 tuổi (trú ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) vừa bị tai nạn gãy tay nhưng bà vẫn đến lớp. Bà cho biết: “Từ ngày có lớp học, đã 4 năm nay tôi chưa nghỉ buổi nào. Kể cả khi gia đình có việc bận. Vừa rồi bị tai nạn gãy tay đang băng bó nhưng thấy mình còn đi được nên tôi vẫn đến lớp”.
Bà chia sẻ thêm: “Nhà cách đây khoảng 4km, trước đây tôi tự đạp xe đến lớp, khi bị tai nạn thì tôi đi xe bus. Cả nhà phản đối vì lo lắng cho sức khỏe của tôi. Nhưng đối với tôi đi học vừa là động lực đem lại niềm vui, vừa là để giao lưu, để trí não minh mẫn hơn, nói năng trôi chảy hơn. Mà đã đi học rồi thì ham lắm, không muốn nghỉ tí nào cả, mưa gió cũng phải đi”.
Ông Nguyễn Văn Ánh, thành viên nam duy nhất của lớp chia sẻ: “Trong 4 năm lớp học đã cho tôi rất nhiều kỉ niệm, từ những lúc mới bắt đầu không hiểu gì, rồi dịch bệnh phức tạp, đến nay vẫn trọn vẹn ngồi đây với nhau là rất đáng quý, đáng trận trọng”.
Là thành viên lớn tuổi nhất trong lớp, bà Vũ Thị Đông Hải (85 tuổi) cho biết, nhiều năm qua bà vẫn bắt xe ôm đến lớp. Dù lớn tuổi nhất, sức khỏe yếu, chân tay run, nhưng bà chưa nghỉ buổi nào bất kể mưa nắng, giá rét. Bà chia sẻ: “Tôi rất hào hứng vì được tăng thêm hiểu biết, truyền động lực để cháu con noi theo, dù chỉ có thể tiếp thu được 50% bài giảng. Tôi học không mong để giao tiếp trôi chảy hay đi nước ngoài, mà chỉ nhằm mục đích được rèn luyện, mở mang đầu óc, kết giao thêm bạn bè, chứ ở nhà thì ốm mất. Việc tôi tham gia đi học con cháu trong gia đình rất ủng hộ".
Ở tuổi cao, các cụ gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng Anh. Sau khi được cô giáo hướng dẫn tại lớp, mỗi ngày các cụ thường dành thời gian để ôn lại từ mới, ngữ pháp và phát âm. Ở tuổi này, các cụ chỉ có thể học chậm và nói những câu đơn giản. Điều quan trọng nhất là tới lớp không chỉ để học mà còn để gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ, nâng cao được kiến thức tiếng Anh mà lại minh mẫn hơn.
Chị Phùng Hải Yến, 30 tuổi, là giáo viên hướng dẫn, biết đến lớp học từ 4 năm trước trong một lần đi dạy hộ, nhưng thấy sự đam mê, nhiệt tình của các cụ, chị quyết định gắn bó đến nay, dù công việc nhân viên văn phòng của chị cũng đầy bận rộn. Hiện chị đang làm giáo viên hướng dẫn cho 3 lớp dạy tiếng Anh cho NCT tại Hà Nội.
Chị Yến chia sẻ: “Các bác ở đây cố gắng rất nhiều, vào cao điểm dịch Covid-19 các bác vẫn học online không nghỉ buổi nào. Hôm nay tôi rất xúc động vì cụ Thìn dù bị tai nạn nhưng vẫn đến lớp. Chính sự nỗ lực học tập của các cụ là động lực để tôi tiếp tục cố gắng. Các cụ ở đây cứ gọi tôi là cô giáo nhưng thực sự các cụ mới là người thầy, người cô, khi dạy các cụ học tiếng Anh tôi lại học được thêm nhiều điều từ các bác”.
Theo chị Yến, thời gian đầu dạy tiếng Anh cho các lớp NCT cũng rất khó khăn, bởi các cụ tuổi 70, 80, thậm chí 90 tuổi thì việc nhớ từ vựng là khá khó, chứ chưa nói đến phát âm. Để duy trì được lớp học cần kiên trì, đi từng bước nhỏ, để mỗi ngày đến lớp các cụ không cảm thấy bị áp lực. Có những hôm 2 tiếng đồng hồ chỉ dạy được 2-3 từ vựng. Song sau này, khi có niềm yêu thích và quen hơn, các cụ dần có động lực và học nhanh hơn rất nhiều. Có thể do trí não hoạt động liên tục nên khả năng nhớ của các cụ cũng tăng dần lên. Mỗi ngày tích cóp một chút, giờ đây các cụ đã nói được khá nhiều, thậm chí cả những đoạn hội thoại giao tiếp cơ bản, có thể dạy cho các cháu của mình ở nhà.
Chị Yến cũng cho biết, một trong những lí do khiến chị gắn bó với lớp học này suốt 4 năm qua còn vì chị nhận lại được nguồn năng lượng vô cùng tích cực, tinh thần “học không bao giờ là muộn” từ chính các học viên. Nhiều cụ còn dùng điện thoại thông minh ghi âm lời giảng của giáo viên để về nghe lại. Dù “cô giáo” đáng tuổi cháu nhưng luôn nhận được sự yêu thương, tôn trọng theo đúng tinh thần “tôn sư trọng đạo” của các cụ.
Nhiều người nghĩ rằng, tuổi già cần nghỉ ngơi nhưng các cụ trong lớp học tiếng Anh đặc biệt trên phố Kim Ngưu đã chứng minh một điều: Không bao giờ là quá muộn để trau dồi kiến thức và “học, học nữa, học mãi”. Học để noi gương cho con cháu, học để vui khỏe, có ích, học để làm một tấm gương sáng. Chính tinh thần ham học hỏi của các cụ đã truyền cảm hứng cho con cháu, thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội. Lớp học tràn ngập tiếng cười trong suốt 4 năm qua trở thành một phần không thể thiếu, là điều giúp những NCT tìm được chút niềm vui.