Nền giáo dục Việt Nam đã có trên 70 năm, lại qua hơn 30 năm đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kì đều có nhiều khẩu hiệu, có cái rất hay, nhưng chưa có cái nào cô đọng, khái quát ở tầm tư tưởng để định hướng, làm kim chỉ nam cho nền giáo dục Việt Nam.
Những năm gần đây, ngành giáo dục Việt Nam vấp phải nhiều “sóng gió” về đổi mới sách giáo khoa, chất lượng đào tạo ở các cấp học, nhất là bậc đại học, phương pháp thi cử… Nhiều người cho rằng, sự lúng túng và hạn chế đó có một phần của việc thiếu triết lí giáo dục.
|
Tranh chỉ có tính minh họa. Tiền Phong |
Phải thừa nhận rằng, ta vừa có, vừa chưa có triết lí giáo dục. Phần có chỉ “thấp thoáng”, còn phần “đinh”, cốt lõi lại đang ở xa tít “phía chân trời”. Vì thế, mong muốn của xã hội là trong giai đoạn mới, với sự thay đổi nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ, sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Việt Nam phải được đẩy lên tầm cao mới. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương cho ra đời Triết lí giáo dục Việt Nam. Trước hết, Triết lí giáo dục Việt Nam cần căn cứ vào mục tiêu UNESCO đề ra, đó là "Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, tự kiếm sống”. Triết lí giáo dục phải được xây dựng trên 4 trụ cột chính gồm đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục.
Triết lí giáo dục Việt Nam phải bao gồm những tinh hoa của nhân loại, của dân tộc được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Triết lí giáo dục vừa bảo đảm tính thời đại, vừa kế thừa truyền thống dân tộc và phải thông qua phạm trù cơ bản là đạo đức và tri thức, bởi đó là sứ mệnh, là hồn cốt, là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh suy của đất nước. Triết lí giáo dục cần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn điều kiện và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Triết lí ấy phải có tư tưởng ở tầm vĩ mô, rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục được từng con người trong hệ thống giáo dục và trong xã hội. Triết lí ấy phải hợp với bản chất tự nhiên của con người, hợp với một xã hội với nhiều sự khác biệt và phải lấy trẻ em, lấy người học làm trung tâm.
Người Việt đang kì vọng vào
Triết lí giáo dục mang nhãn hiệu Madein Việt Nam. Đó là nghệ thuật về tư duy của lí luận, văn phạm, đưa các vấn đề giáo dục thành một khái niệm chặt chẽ, logic, mang hàm lượng lí tính cao, hợp thời đại, có tầm nhìn xa, hợp lòng người, mang tính cơ bản, toàn diện, thiết thực. Có như thế,
Triết lí giáo dục Việt Nam mới là ngọn hải đăng soi đường để nền giáo dục đi tới, phát triển “bằng anh, bằng em” trong khu vực và trên thế giới./.
Tường Minh