Lỗ hổng chăm sóc sức khỏe Mỹ
Câu chuyện quốc tế 22/04/2020 09:25
Ai chi trả?
Đó là những lời cuối cùng mà bệnh nhân nói với đội ngũ y bác sĩ chăm sóc mình, theo lời kể của Derrick Smith, y tá gây mê tại một bệnh viện ở thành phố New York trên trang Facebook.
Ở quốc gia giàu có nhất thế giới, đại dịch COVID-19 đã vạch trần vấn đề cốt lõi của một hệ thống chăm sóc sức khỏe mà về mặt cấu trúc vốn không đủ khả năng đối phó với đại dịch. Adam Gaffney, một bác sĩ thuộc đơn nguyên chăm sóc đặc biệt ở Boston cho biết: “Dịch bệnh này đã cho thấy rõ, vào bất kì thời điểm nào, bất kì ai trong số chúng ta cũng có thể bị bệnh, phải nhập viện, phải dùng máy thở. Và ở Mỹ, điều đó có thể đồng nghĩa với những khoản viện phí khủng khiếp”.
Trong năm 2018, Mỹ có 27,9 triệu người không có bảo hiểm y tế và con số này được cho là sẽ gia tăng hàng triệu người do tình trạng thất nghiệp ở mức cao kỉ lục. Chính phủ Mỹ và các hãng bảo hiểm cho biết, họ đang gánh vác chi phí xét nghiệm và điều trị COVID-19, nhưng sự phức tạp trong hệ thống sẽ để lại những câu hỏi không lời giải đáp về việc liệu người dân thậm chí có tìm đến hệ thống chăm sóc sức khỏe hay không.
Chi phí xét nghiệm và điều trị phụ thuộc vào tình trạng bảo hiểm của từng bệnh nhân, phương thức bảo hiểm của họ và liệu họ có sống sót hay không.
Đơn nguyên chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế St Vincent ở Los Angeles. |
Các phòng khám đóng cửa và tình trạng mất việc
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng đặt lợi nhuận lên trên con người hiện đang tồn tại trong hệ thống. Các nhân viên y tế đang phải nghỉ việc hay thậm chí mất việc vì đại dịch - trong đó có cả những người ở tuyến đầu chống dịch - khi các chủ lao động tìm cách cắt giảm chi phí.
Alteon Health, một công ty tư nhân điều hành khoảng 1.700 bác sĩ y khoa và các bác sĩ khác, cho biết họ sẽ ngừng chi trả phúc lợi, trong đó gồm nghỉ phép có lương. Khi không có các hoạt động điều trị lợi nhuận cao như vật lí trị liệu, phẫu thuật thẩm mĩ hay chỉnh hình, hệ thống y tế đang phải oằn mình trả lương và gánh chi phí hành chính.
Joe Maginn, một y tá phòng cấp cứu tại Madison, Wisconsin, cho biết: “Chúng tôi làm việc cho bệnh viện, lẽ ra chúng tôi phải dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhất, nhưng thật không may, đó không phải là cách thức vận hành của hệ thống y tế Mỹ”.
Quốc hội Mỹ đã phân bổ 100 tỉ USD để hỗ trợ cho các bệnh viện. Ngày 10/4, Nhà Trắng cho biết các bệnh viện được nhận trợ cấp không được phép sử dụng hai cách tính viện phí thông dụng: Tính viện phí cho người không có bảo hiểm hoặc tính viện phí cho người bệnh được chăm sóc bởi một bác sĩ ở tại bệnh viện nhưng không trực tiếp do bệnh viện tuyển dụng.
Tuy nhiên, việc số tiền này sẽ phát huy hiệu quả đến mức nào trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và liệu có kịp thời đến tay các bệnh viện để cứu vãn việc làm và các phòng khám hay không vẫn là câu hỏi khó giải đáp.
Gánh nặng tài chính trên vai những người ở tuyến đầu
Sự gián đoạn lớn này đối với hệ thống y tế Mỹ có thể khiến các y tá và bác sĩ mất việc. Mặt khác, đã có những dấu hiệu cảnh báo sớm rằng các công ty bảo hiểm có thể không phải chịu thiệt hại bởi giờ đây số người tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế thường xuyên đang giảm.
David Blumenthal, Chủ tịch Quỹ Thịnh vượng chung, một tổ chức tư vấn sức khỏe toàn cầu cho biết, những người được bảo hiểm hằng năm sẽ vẫn trả chi phí bảo hiểm, trong khi số lượng hồ sơ chi trả mà các công ty bảo hiểm phải xử lí lại giảm.
Đồng thời, 16 triệu người đã mất việc trong 3 tuần qua sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với hệ thống y tế nếu họ cũng thuộc nhóm không được bảo hiểm hoặc sử dụng Medicaid - bảo hiểm y tế của chính phủ dành cho người thu nhập thấp.
Benjamin Sommers, giáo sư về chính sách y tế và kinh tế tại trường y tế công cộng Harvard TH Chan cho biết không có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch đang thúc đẩy chính quyền Trump nhìn lại hệ thống chăm sóc sức khỏe.