Lễ khánh thành và đặt tượng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Giáo dục 29/04/2022 11:03
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi lễ |
Đến tham dự, có bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố; đại diện lãnh đạo Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ quận 4; ông Nguyễn Hữu Châu, con trai trưởng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cùng đông đảo giáo viên, cán bộ và học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.
Thầy Đỗ Đình Bảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ phát biểu ôn lại truyền thống của trường |
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội khóa VII và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông sinh ngày 10/7/1910, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Thuở nhỏ ông theo học tại trường Tiểu học Long Mỹ, Rạch Giá, Kiên Giang. Đến năm 1921, ông được gia đình cho sang Pháp học tại trường Trung học Miguet, đến năm 1932, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại trường Đại học Luật Aix En Provence.
Ông Nguyễn Hữu Châu phát biểu ôn lại tiểu sử, quá trình hoạt động của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ |
Năm 1933, ông về nước tập sự hành nghề luật sư. Năm 1939, ông thi đỗ kỳ thi sát hạch của Luật sư đoàn và trở thành một luật sư thực thụ… Năm 1947, ông tham gia hoạt động cách mạng; ngày 19/3/1950, ông tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Sài Gòn. Tháng 6/1950, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và đưa đi lưu đày, quản thúc tại Lai Châu. Đến tháng 11/1952, ông được trả tự do và tiếp tục các hoạt động trong phong trào yêu nước. Tháng 8/1954, ông tham gia thành lập phong trào bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đòi chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Geneve; tháng 11/1954, ông bị địch bắt giảm, đến năm 1955 bị đưa đi quản thúc tại Củng Sơn, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ngày 30/10/1961, ông được lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Phú Yên giải thoát và đưa về chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Tượng Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật |
Tháng 2/1962, tại đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6/6/1969, tại đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam, ông được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 4/1976, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI; tháng 7/1976, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước; tháng 4/1980, ông được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước. Tháng 7/1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước. Tháng 11/1988, tại đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ III, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… ông mất ngày 24/12/1996, tại TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ |
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được người dân cả nước và thế giới biết đến là một trí thức yêu nước tiêu biểu, là ngọn cờ tập hợp, một con người có tấm lòng nhân nghĩa. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tên ông, cuộc đời và sự nghiệp đầy thử thách của ông luôn sáng đẹp trong lòng hậu thế. Với sự đóng góp vô cùng to lớn ấy, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác cả trong và ngoài nước.
Năm 2020, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng gia đình Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đúc tượng ông với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu. Bức tượng của Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được hoàn thành vào đầu năm 2021 với mong muốn của gia đình được gửi tặng cho Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, tại quận 4. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đặt tượng phải hoãn lại.
Bức tượng với chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng đối với Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong chặng đường cách mạng vẻ vang đã qua và mãi mãi mai sau. Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, giáo viên học sinh của trường hôm nay và mai sau.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ được thành lập vào năm 2003, tại địa chỉ ban đầu là 209 Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Lúc đầu có hai cấp học, đến năm học 2011 - 2012, trường chỉ còn khối cấp 3 cho đến nay. Ngày 31/8/2013, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ khánh thánh cơ sở mới, tọa lạc tại số 2 Bến Vân Đồng, phường 12, quận 4, TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh lễ chào cờ |
Học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ dâng hương tưởng niệm cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu mong muốn tập thể Thầy và Trò trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, với tinh thần năng động, sáng tạo sẽ tiếp tục ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nỗ lực trong sự nghiệp trồng người đầy vinh quang và hạnh phúc. Tập thể thầy và trò của nhà trường sẽ tổ chức những hoạt động để nuôi dưỡng các giá trị nhân văn cao đẹp, hun đúc lòng tự hào, truyền thống cách mạng trong mỗi thế hệ học sinh, xây dựng thế hệ tương lai yêu nước, bản lĩnh, tự tin hội nhập…