Kỉ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) Sức khỏe và gia đình - thứ quý nhất với mỗi người
Xã hội 27/02/2020 10:30
Hoạt động văn hóa cộng đồng tê liệt
Vào mùa Xuân ở nước ta có tới hơn 1.000 lễ hội trải khắp đất nước, có lẽ vì thế mà dân gian đúc kết “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Trên các ngả đường, khắp các đền chùa, di tích, đình miếu… người người nô nức đi lễ cầu an, cầu sức khỏe, đi du lịch, vãn cảnh đầu Xuân cho lòng bình an, thư thái… Vậy mà năm nay tất cả các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống, các sự kiện văn hóa nghệ thuật cộng đồng đều phải hủy hay dừng lại, các khu tham quan du lịch cũng hạn chế khách, không tụ tập đông người. Và tình trạng này kéo dài chưa biết đến bao giờ.
Những tâm trạng lo lắng bất an, một không khí tĩnh lặng, trái ngược với những huyên náo nhộn nhịp đầu Xuân hằng năm. Ngay cả các rạp chiếu phim, vào dịp này là mùa “hốt bạc” thì nay chỉ mở cầm chừng, một số phim Việt dự định ra mắt cũng đành gác lại vì biết trước sẽ vắng khách. Nhiều show ca nhạc xuân, sân khấu kịch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng hủy, cho dù trước đó đã bán vé. Thậm chí, lễ hội thơ truyền thống của giới văn chương cả nước vào ngày Nguyên tiêu cũng hủy vào giờ chót, dời lại dịp 30/4… Phố phường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh “đường thông hè thoáng” vì học sinh, sinh viên nghỉ học, các quán cóc cũng vì thế mà đìu hiu.
Điều quý giá là sức khỏe và gia đình
Nhưng sau tất cả, trận dịch đang cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc và thấm thía. Con người cần phải dừng việc ăn thịt động vật hoang dã và tàn phá thiên nhiên, môi trường. Nó khiến ta tự nhìn lại rằng, giàu có để làm gì, phát triển để được gì nếu cuộc sống chẳng thể giữ nổi khi thiên tai, bệnh dịch ập đến. Mọi hoạt động văn hóa, tinh thần phải dừng lại, nguy cơ, hiểm họa đang rình rập con người thì chắc hẳn ai cũng nhớ ra sức khỏe là vốn quý nhất và gia đình là tổ ấm, nơi có tình yêu thương và hạnh phúc.
Nhân sinh thật ngắn ngủi, chúng ta hối hả sống, hối hả mưu sinh, hối hả làm việc… nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ cuộc đời theo cách đột ngột nhất, có dùng bạc vàng cũng chẳng mua nổi sự bình an. Được mất hay thành bại của con người, so với sức khỏe, thật không đáng để bàn tới. Tiền kiếm được nhiều hay ít, so với sức khỏe, cũng chỉ là thứ vặt vãnh nhỏ bé.
Có sức khỏe, tất cả mới có ý nghĩa. Tôi nhớ một câu châm ngôn đại ý: Khi khoẻ mạnh bạn ao ước hàng trăm thứ; Khi bệnh tật bạn chỉ mong có sức khoẻ. Con người, phàm là ai đi chăng nữa, cũng phải đặt sức khỏe lên vị trí hàng đầu, quan trọng nhất. Tiền bạc đủ tiêu đủ dùng là được, sức khỏe mới là thứ chúng ta nên theo đuổi cả đời, bởi đó mới là thứ vô giá.
Dẫu ngoài kia có biến động, xã hội có bão giông nhưng chỉ cần thấy những người thân yêu còn khỏe mạnh, vợ chồng con cái còn bên nhau, thì một cái thở phào nhẹ nhõm sẽ đáng giá hơn bạc vàng. Nó khiến con người ta trân trọng giá trị mình đang có.