Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Bàn các vấn đề tác động tích cực đến quốc kế dân sinh
Tin tức - Sự kiện 23/10/2019 09:53
Đề xuất điều chỉnh lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, lương hưu tăng tương ứng
Trong báo cáo Quốc hội về ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 sẽ dành 61.500 tỉ để cải cách tiền lương. Nếu được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở năm 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng). Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 (trước khi thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương của 2021) sẽ nâng mức tiền lương cơ sở bình quân mỗi năm 8%.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, ngoài những đề xuất như giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách… thì Chính phủ phải hết sức lưu ý, phải dùng tiền tiết kiệm được khi đưa công chức, viên chức ra khỏi bộ máy hưởng lương Nhà nước để bổ sung cho nguồn cải cách tiền lương.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội chậm và hiệu quả chưa cao. Do đó, việc này tác động lớn đến chính sách cải cách tiền lương năm 2021. Bởi, nếu bộ máy quá cồng kềnh, thì ngân sách không chịu nổi và chuyện lạm phát về tiền lương sẽ xảy ra.
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cảnh báo việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới việc tăng chi thường xuyên trong khi Nhà nước đang nỗ lực để giảm tỉ lệ chi này. Tuy nhiên, việc tăng lương là nhằm bảo đảm đời sống của người lao động. Vấn đề là Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô để không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục cải cách bộ máy để giảm biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thì mới có nguồn để cải cách tiền lương và giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương.
Theo tính toán của cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, việc tăng lương năm sau nếu thực hiện sẽ phải dùng đến 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, 40% nguồn tăng thu ngân sách Trung ương của năm nay. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới chi đầu tư phát triển.
Xử lí dứt điểm các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lí thuế có nhiều nỗ lực thu hồi nợ đọng thuế, việc quản lí nợ thuế đạt được kết quả quan trọng. Tỉ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống 6,9% vào cuối tháng 8/2019. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kì 2018; trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.
Từ tình hình trên, việc xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, sẽ tạo cơ chế xử lí dứt điểm các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không có khả năng thu hồi mà hiện tại cơ quan thuế các cấp vẫn phải theo dõi, quản lí, gây lãng phí nguồn nhân lực.
Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ này không đúng quy định hoặc người nộp thuế (là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh) đã được xóa nợ quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp ngân sách khoản nợ đã được xóa.
Về thẩm quyền khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan quản lí thuế quản lí trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ. Về Thẩm quyền xóa nợ: Đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỉ đồng trở lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền từ 10 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 5 tỉ đồng; Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lí thuế.
Thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành