Khó khăn không nản, thành công không tự mãn
Tuổi cao gương sáng 16/08/2018 09:03
Trước khó khăn vẫn vững vàng
“Mình lãnh đạo mà đói nghèo cứ đeo bám. Thậm chí ăn khoai sắn nhiều hơn cơm gạo! Nhiều lúc nhìn mâm cơm thấy ứa nước mắt. Cũng vì sợ chướng nên không dám nói, chẳng dám thở than… Vợ tôi lúc ấy làm trưởng Trạm Y tế xã, cũng có lúc chao đảo, giao động than rằng: Sao chồng cứ lo làm việc xã hội mà coi nhẹ việc gia đình!”. Ông Thành cười, nhắc lại chuyện cũ…
Thông cảm với hoàn cảnh gia đình ông, đồng thời tạo điều kiện để ông bà yên tâm công tác, địa phương hỗ trợ 6 tạ lúa, cắt đất lúa, đất màu cho sản xuất tăng gia. Ngoài thời gian công tác, ông bà vừa làm ruộng vừa làm thêm kẹo đậu phụng, kẹo ú để bán… Năm 1991, ông Thành nghỉ hưu. Không đồng vốn lận lưng, nói như ông là: “Hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không”, cần cù, chịu khó, làm đủ thứ việc chân chính bằng sức lao động của mình hòng thoát nghèo. Có người mách, ông ra Đà Nẵng mua gà giống, phần nuôi phần mua đi bán lại cải thiện đời sống. Tuy có lãi nhưng buôn gà khá vất vả. Khi có một ít vốn lại được người quen giới thiệu, ông xoay qua mở quầy bán vật liệu xây dựng. Thấy ông đàng hoàng, thật thà, một công ty đóng ở Đà Nẵng nhận ông làm đại lí bán sắt, thép, xi măng. Được đà lấn tới. Ông chuyển qua mua bán vật tư nông nghiệp. Lấy ngắn nuôi dài, mở thêm xưởng mộc…
Ông Phạm Ngọc Thành
Không chịu đầu hàng khó khăn, vượt lên gian khổ để làm giàu chính đáng, ông Phạm Ngọc Thành là một mẫu hình đáng trân trọng trên địa bàn huyện Đại Lộc. Khi thời cơ chín muồi, ông nghĩ đến việc làm ăn lớn…
Gặt hái thành công…
Vận động anh em, bà con giúp vốn đồng thời vay thêm ngân hàng, ông Thành đầu tư thành lập công ty vào năm 2000. Công ty TNHH Thành Phát ra đời do ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, vợ ông, bà Lê Thị Thanh làm giám đốc, với ngành nghề chính là khai thác, chế biến nguyên vật liệu xây dựng, thi công các công trình dân dụng, giao thông… Công ty giải quyết công ăn việc làm cho 40 công nhân lao động…
Ông đầu tư xây dựng nhà xưởng, sắm xe tải, xe múc, hệ thống nghiền đá, băng tải… gần 9 tỉ đồng! Đặc biệt, ông đã sáng chế hệ thống băng tải mới để nghiền các loại bột đá vừa tiết kiệm công lao động nhưng lại có năng suất tăng gấp 2,5 lần, giảm chi phí sản xuất 10%...
Năm 2007, ông thành lập thêm Công ty TNHH một thành viên Hùng Thanh do mình làm giám đốc với ngành nghề chính là khai thác nông lâm sản hợp pháp, gia công hàng mộc dân dụng, trang trí nội thất. Tổng chi phí xây dựng nhà xưởng, trang bị máy cưa, máy bào, máy mài, xe nâng... hơn 3,5 tỉ đồng.
Nhằm phát triển mô hình kinh tế đa dạng, trong diện tích 8,5 héc-ta đất rừng được cấp phép sử dụng, ông Thành mở một trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm với quy mô đầu tư 9 tỉ đồng gồm trang trại rộng 2.500m2, ao cá rộng 500 m2, trạm điện hạ thế... Hiện công ty đang nuôi 9 nghìn con gà siêu trứng, 5 nghìn con cá trê lai và nuôi gia công 1.200 con lợn. Riêng lợn đã xuất chuồng 4 lần, lãi hơn 1 tỉ đồng.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông, hai công ty đều có doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2015, tổng doanh thu hơn 65 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,6 tỉ đồng. Thu nhập của lao động cao nhất 11 triệu đồng/người /tháng, thấp nhất 4,5 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài 30% lao động được đóng BHXH, BHYT, BHTN còn lại 70% lao động thời vụ được công ty mua BHYT. Chưa dừng lại, năm 2012 ông Thành kết hợp với một doanh nghiệp tại xã Đại Hiệp cùng huyện, thành lập Công ty cổ phần Quang Hiệp Thành, trong đó ông góp 52% vốn (2,5 tỉ đồng), hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản…
Ngoài sản xuất, kinh doanh ông Thành còn tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Khuyến học trong cương vị Chủ tịch, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh với tinh thần trách nhiệm cao; góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại địa phương như xây dựng cổng làng, nhà tình nghĩa, làm đường nông thôn; tặng quà cho bà con nghèo, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình thương binh, liệt sĩ; cho một số anh em CCB mượn vốn kinh doanh hay mua sắm phương tiện đi lại, làm nhà; dành tiền phụ cấp của cá nhân tặng hết cho Quỹ Khuyến học xã để trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi…
Ông Thành vui vẻ sẻ chia: “Trong quản lí, điều hành doanh nghiệp tôi rất chú trọng khâu kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, tránh thất thoát. Tuyển và dùng thợ lành nghề. Có chính sách quan tâm thiết thực đến người lao động... Qua quá trình vượt khó vươn lên tôi thấy điều quan trọng nhất là sự quyết tâm. Không nản chí khi gặp khó và không tự mãn khi mới bước đầu có kết quả”.
Với nhiều thành tích trong hoạt động kinh tế, xã hội, thực hiện nhiệm vụ và phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, ông Thành đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017, Bộ Tài chính, Trung ương Hội CCB, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đại Lộc tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỉ niệm chương… Tháng 8/2017, ông vinh dự nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Bài và ảnh Lê Kim Dũng