Khí phách kì diệu của chiến thắng
Xã hội 29/06/2022 11:10
Bắt đầu từ trưa ngày 30/3/1972, sau hai cuộc tiến công bất ngờ và dũng mãnh, với binh chủng hợp đồng quy mô lớn của quân ta, ngày 1/5/1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng, sau 18 năm, bị Mỹ-ngụy chiếm đóng. Trong chiến dịch này, ta đã đánh tan tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị. Hơn ba vạn quân giặc bị loại khỏi vòng chiến đấu; 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác và nhiều vũ khí đạn dược của địch bị phá hủy hoặc lọt vào tay Quân giải phóng.
Sau những giờ phút hoàn hồn, để lấy lại tinh thần và nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích, tái chiếm Quảng Trị, mà mục tiêu số một là chiếm lại Thành Cổ. Chúng gọi tên cuộc hành quân này là “Lam Sơn 72” và bắt đầu từ ngày 28/6/1972.
Các chiến sĩ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 tỉnh Quảng Trị |
Cần nói thêm rằng, tái chiếm Quảng Trị, Mỹ - ngụy hòng đạt được âm mưu xảo quyệt về chính trị, quân sự; tẩy xóa tâm lí thất bại đang phát triển tràn lan trong quân đội ngụy; cản phá cuộc tấn công như vũ bão của quân ta, chiếm lại mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam. Địch huy động máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần) và cả pháo đài bay B52 mỗi ngày từ 70-90 lần, 12-16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7- Thái Bình Dương; 2 sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và sư thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép), cùng hàng chục tiểu đoàn khác quyết tử thủ ở Thành cổ Quảng trị.
Đây là cuộc hành quân đẫm máu, cực kì dã man, tàn bạo của kẻ thù, chúng không từ một hành động tội ác nào: Ném đủ các loại bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de; bắn đủ các loại pháo chơm, pháo khoan; thả chất độc hóa học, hơi độc và hơi ngạt... Đêm 4/7/1972, máy bay B52 đã ném 4.000 tấn bom; ngày 31/7/1972, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn đã bán vào khu vực Thành cổ và vùng phụ cận. Các hãng thông tấn và báo chí phương Tây đưa tin: Có tuần lễ, Hoa Kỳ huy động máy bay chiến đấu của 3 quân chủng, ném tới 7.000 tấn bom và bắn 10 vạn quả đại bác vào thị xã Quảng Trị. Số bom đạn chúng ném xuống đây khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống 2 thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản), năm 1945.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa từng có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào Thành cổ, có chu vi 2.080 mét, rộng chưa đầy 3 km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt đó của kẻ thù, Thành Cổ Quảng Trị đã mở đầu trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu cực kì gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm của quân và dân ta qua 81 ngày đêm mùa hè rực lửa, rung chuyển cả nước và toàn cầu từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972.
Lực lượng ta ở vòng trong thị xã, lúc đầu có Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Khi cao điểm, có thêm Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 64. Chỉ huy sở của Mặt trận thị xã đặt tại hầm trong dinh Tỉnh trưởng ngụy, bên bờ sông Thạch Hãn. Lực lượng vòng ngoài có Sư đoàn 320B ở cánh Đông, Sư 308 ở cánh Nam, cùng các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng du kích các xã phụ cận. Các chốt quan trọng như: Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, trường Bồ Đề, ngã ba Cầu Ga... là những nơi, quân ta bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, hi sinh, kiên quyết đập tan các đợt phản kích của địch. Đặc biệt, trong Thành cổ Quảng Trị, là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần chiến đấu phi thường, huyền thoại, cực kì dũng cảm của quân dân ta. Tại đây, trung bình, một chiến sĩ phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Có ngày như ngày 25/7/1972, kẻ thù bắn vào Thành Cổ 5.000 quả đạn. Bốn dãy tường thành ở bốn phía đông, tây, nam, bắc, dày 12m, đều bị vỡ dần; đến một viên gạch nơi đây cũng không còn nguyên vẹn.
Ác liệt là thế nhưng các chiến sĩ giải phóng quân vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu gần 2 tháng trời để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Thành cổ. Ngoài ra, anh em còn phải giữ vững các tuyến, các chốt ở phía đông, phía nam và tây nam thị xã Quảng trị. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại. Và cách đánh địch nhiều khi cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: Súng cối 60mm, được các chiến sĩ kẹp nách, bắn liên thanh mấy chục quả một lần; lựu đạn rút chốt, phải để xì khói trên tay mới ném. Có lúc, chiến sĩ bò sát miệng hầm của địch rồi mới liệng lựu đạn vào. Trong một trận đánh, có chiến sĩ bắn tới 14 quả đạn B40, diệt 32 tên địch. Tại mặt trận, nhiều chiến sĩ bị thương một, hai, thậm chí ba lần, vẫn chiến đấu, không chịu về tuyến sau. Các chiến sĩ bộ binh, công binh, quân y, thông tin, đều cầm súng đánh địch. Bằng tính kỉ luật tuyệt vời, tinh thần dũng cảm, ý chí ngoan cường và sự hi sinh vô bờ bến, ai nấy kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, ác liệt, hào hùng, đầy hi sinh và mãi mãi bất tử. Trận quyết chiến chiến lược 81 ngày đêm vượt ra ngoài tầm của một tỉnh lị; trở thành một trận quyết chiến mang tầm chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Cuộc chiến đấu anh hùng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông hơn 5 vạn tên, với sự dư thừa vũ khí hiện đại, một lần nữa làm sáng ngời chân lí: Kẻ thù có máy bay, xe tăng, tàu chiến, súng nhỏ, súng to tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí kiên cường, một lòng chiến đấu vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Đúng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu tôn vinh về cuộc chiến đấu này: “Chúng ta đã chịu được không phải vì chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà vì chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Còn nữa)