Huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc: Nhiều bứt phá để tiến vững chắc, toàn diện
Kinh tế 13/07/2023 09:46
Từ thực tế là huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp... Rồi, lại phải đương đầu với đại dịch Covid-19 cùng với bao khó khăn gay gắt ập đến... nhưng Đại hội Đảng bộ huyện Sông Lô lần thứ III (nhiệm kì 2020 -2025) vẫn quyết tâm đề ra 31 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, từng bước đưa Sông Lô tiến vững chắc, toàn diện.
Đảng phải đổi mới, nâng tầm để xứng tầm, đó là quyết tâm căn cơ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô để từ đó các cấp ủy Đảng cơ sở cùng đồng tâm vận hành. Guồng máy về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh bằng hàng loạt các công việc cụ thể được tiến hành, đó là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; công tác tổ chức xây dựng Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát và kỉ luật Đảng; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoạt động hiệu lực và hiệu quả của chính quyền...
Diện mạo mới của đô thị miền núi Sông Lô. Ảnh: Khánh Linh |
Hiện tại, Đảng bộ huyện Sông Lô có gần 6.500 đảng viên đang sinh hoạt ở 53 Chi, Đảng bộ trực thuộc. Trong nửa nhiệm kì đầu, toàn huyện đã kết nạp được 560 đảng viên; thành lập mới 5 chi bộ trong doanh nghiệp và đơn vị kinh tế tập thể. Số tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 91%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 90%. Các cấp ủy Đảng cũng cương quyết, kịp thời kỉ luật nhiều trường hợp. Cụ thể: Khiển trách (68 trường hợp), cảnh cáo (9 trường hợp), khai trừ (10 đối tượng) những cán bộ, đảng viên sai phạm, hư hỏng.
Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo và chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, năng động, thông minh, sáng tạo. Cùng với thuận lợi được tỉnh có nhiều chính sách thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn, phân cấp phân quyền, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để huyện chủ động, linh hoạt điều hành, kịp thời khơi thông các điểm nghẽn. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2021 là 8,66%,năm 2022 là 9,04% và dự kiến năm 2023 là 7,4%. Cơ cấu kinh tế nâng dần tỉ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,50%. Từ một huyện thuần nông, Sông Lô đã có 2 khu công nghiệp (KCN) bề thế, đó là: KCN Sông Lô I với quy mô 177,36ha và KCN Sông Lô II với quy mô 165,655ha; cụm công nghiệp Đồng Thịnh, Hải Lựu quy mô trên 13ha. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp và tăng cường ứng dụng KHKT đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Toàn huyện đã có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,8 triệu đồng và năm 2023 dự kiến là 57,5 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước từ năm 2021 đến hết năm 2023 ước đạt khoảng 5.760 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm trên 8%...
Mấy năm qua, nét nổi bật ở huyện Sông Lô là được tỉnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, thuận tiện từ trung tâm huyện về các xã, thị trấn và đi các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh mà điển hình là năm 2021, cây cầu Vĩnh Phú được khởi công xây dựng, bắc qua dòng sông Lô - nơi bến phà Đức Bác từ ngàn xưa - nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Giao thông thuận tiện là điều kiện tối ưu để huyện Sông Lô phát triển kinh tế; cùng đó huyện tập trung phát triển đô thị và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai xây dựng NTM nâng cao. Điển hình là xã Cao Phong của huyện Sông Lô đã được công nhận xã đạt NTM nâng cao và nhiều thôn của xã Cao Phong được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Ba xã là Đức Bác, Hải Lựu và Lãng Công đề nghị tỉnh công nhận đô thị loại V. Xã nào cũng đang tiến đích “sáng - xanh - sạch - đẹp - an bình” và xuất hiện rất nhiều “phố trong làng” đàng hoàng, sầm uất, nhộn nhịp.
Để phát huy thế mạnh nơi vùng đất cổ, có dòng sông Lô uốn lượn duyên dáng, thơ mộng chảy qua tạo nền văn minh sông nước từ lâu đời; nơi có 77 di tích lịch sử và 4 di chỉ khảo cổ văn hóa tầm cỡ quốc tế, quốc gia cùng nhiều lễ hội, điểm đến hấp dẫn, phong tục tập quán lạ, như: Tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, Hội chọi trâu Hải Lựu, nghề Đá mĩ nghệ Hải Lựu, vườn cò Hải Lựu, bơi trải Tứ Yên, hát trống quân Đức Bác, hát Sình Ca của đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên, hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu... Huyện ủy Sông Lô (nhiệm kì 2020- 2025) ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về “Phát triển Du lịch 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”, từ đó khẳng định trường tồn nét đẹp truyền thống, hội tụ và lan tỏa cảnh sắc vùng đất cổ và bản sắc văn hóa của các dân tộc huyện Sông Lô, tạo mũi nhọn phát triển kinh tế xanh...
Cùng được trò chuyện, Bí thư Huyện ủy Sông Lô Nguyễn Bá Hiến tâm sự: Những gì đạt được chỉ là bước đầu, bởi xây dựng, kiến thiết quê hương cũng như đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân thì không có điểm dừng mà cứ thế phải làm tốt hơn. Thời gian còn lại của nhiệm kì 2020- 2025, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao, Đảng bộ huyện Sông Lô phát huy thuận lợi, thế mạnh cùng những kinh nghiệm thành công cũng như sẵn sàng đón nhận khó khăn rồi bình tĩnh, khoa học tháo gỡ những điểm nghẽn trong mọi lúc, mọi nơi; tạo sự đồng thuận, quyết tâm, quyết liệt, năng động thực thi các nhiệm vụ. Điều cốt lõi là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt thật sự “có tâm, có tài, có tầm” và khẳng định vai trò gương mẫu của những người đứng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện noi theo, tin tưởng, ủng hộ...