Huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, 50 năm sau ngày giải phóng
Tin tức - Sự kiện 06/04/2022 07:47
Mốc son ngày 7/4
Thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Tại Lộc Ninh, quân địch tăng cường vũ khí, quân tư trang, coi nơi đây là cứ điểm trọng yếu. Từ đó, địch tăng cường càn quét vào sâu trong vùng căn cứ, dùng bom B52, bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên vào các khu rừng dọc biên giới, vùng rừng cao su rất ác liệt, ở cường độ chiến sự cao. Đại đội trinh sát số 9 của quân Ngụy thường xuyên lùng sục vùng biên giới từ Lộc Ninh - Bù Đốp đến giáp vùng rừng núi Tây Ninh.
Trong lúc địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh cũng là lúc Bộ chỉ huy miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Nhằm phối hợp với Trị Thiên, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ chỉ huy miền lần đầu tiên sử dụng lực lượng tương đương quân đoàn để mở chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Tháng 3/1972, Bộ chỉ huy chiến dịch về Tà Thiết (Lộc Thành) để chỉ đạo tác chiến.
Diện mạo đổi thay của Lộc Ninh hôm nay |
Đầu tháng 3/1972, hành lang chiến lược Bắc Nam đã tới Tây Bắc Lộc Ninh. Con đường bí mật cắt rừng để đưa xe tăng từ Đông Bắc Campuchia về Lộc Ninh đã hoàn tất; lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến dịch đã bí mật tập kết vào vùng giải phóng Lộc Ninh. Đảng bộ và Nhân dân Lộc Ninh chuẩn bị các điều kiện chờ ngày nổ súng, giải phóng quê hương.
Trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh, hơn 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer đã nổi dậy, phá kìm. Chỉ trong 2 đêm ngày 5 và 6 tháng 4/1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ, “Phòng vệ dân sự” dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã.
Ngày 7/4/1972, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, địch đã giở thủ đoạn đê tiện lùa dân ra đường để cản đường tiến quân của xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, bộ binh ta vượt lên trước xe tăng dọn đường và tiêu diệt những tên ác ôn đang lùa dân vào mũi xe tăng. Địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát; bộ đội, xe tăng truy kích địch tận hang ổ cuối cùng. Các cụm đóng quân của địch ở căn cứ Alpha, Lộc Hoà đã bị quân chủ lực của ta tiêu diệt. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Một thời kỳ mới bắt đầu, thời kỳ Lộc Ninh là “Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”; là hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam Bộ; là căn cứ địa của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tiềm năng và đổi thay hôm nay
Là huyện ở vùng rừng núi có biên giới Tây Nam của Tổ quốc tiếp giáp với nước bạn Campuchia, Lộc Ninh được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước, với ba con sông lớn bao bọc, gồm: Sông Măng, Sông Bé, Sông Sài Gòn và hơn 20 con suối lớn nhỏ tỏa đều trong toàn huyện. Lộc Ninh còn có nhiều hồ, như hồ Cầu Trắng rộng vài chục héc ta. Với nguồn nước phong phú, thời tiết nhiệt đới, đất đai phì nhiêu, Lộc Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng và phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như: Cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn trái...
Bên cạnh đó, Lộc Ninh là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, Quốc lộ 13 nối liền TP. Hồ Chí Minh đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư qua Campuchia, Lào và Thái Lan. Điều kiện tự nhiên, sông suối, thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống giao thông thuận lợi nên Lộc Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây; và là nền tảng, bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đổi thay trên mảnh đất Lộc Ninh anh hùng |
Hội tụ điều kiện tự nhiên thuận lợi, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Lộc Ninh đoàn kết cùng nhau chung sức xây dựng, phát triển quê hương, đạt được nhiều kết quả tích cực trong các mặt: kinh tế- xã hội; xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng chính quyền; phòng, chống dịch Covid -19…
Trong đó, về phát triển kinh tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân huyện Lộc Ninh đã hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra; kinh tế của Lộc Ninh vẫn tiếp tục có chiều hướng phát triển.
Cụ thể, năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 526 tỷ 926 triệu đồng, đạt 111% dự toán điều chỉnh HĐND huyện giao và đạt 124% dự toán tỉnh giao. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 1.224 tỷ 834 triệu đồng, đạt 104% so với dự toán HĐND huyện giao và đạt 123% so với dự toán tỉnh giao. Cơ cấu kinh tế giữa các ngành tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, cụ thể: Nhóm ngành Nông Lâm nghiệp - Thủy sản chiếm tỷ trọng 61% (kế hoạch là: 61%); Nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng 20,50% (kế hoạch: 19,50%); Nhóm ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm tỷ trọng 18,50% (kế hoạch: 19, 5%) …
Bên cạnh đó, huyện Lộc Ninh còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên tập trung vấn đề phát triển về cơ sở hạ tầng nên kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã được hưởng thụ những thành quả của sự tiến bộ xã hội, nhiều hộ từ nghèo đói đã thoát nghèo vươn lên khá. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống Nhân dân. Công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả khá, huyện có 10/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 21,3%. Các xã, thị trấn đã thành lập hội khuyến học và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân đạt được nhiều thành tích đáng kể. Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm; toàn ngành y tế tích cực triển khai phương án, biện pháp giám sát, điều trị tích cực và chủ động trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Một thành tích khác rất đáng ghi nhận của Lộc Ninh trong những năm qua, đó là việc xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn vững mạnh đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện luôn ổn định, các tầng lớp Nhân dân an tâm sản xuất kinh doanh, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XI, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy, Huyện ủy bằng nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả. Tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bảo đảm thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và đời sống Nhân dân.
Căn cứ kháng chiến Tà Thiết ngày càng thu hút du khách về nguồn. |
Về công tác xây dựng chính quyền, UBND huyện Lộc Ninh đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, Ban Thường vụ Huyện uỷ, linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đổi mới phương thức làm việc, lãnh đạo, điều hành thích ứng với điều kiện mới; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo theo kết luận của Tỉnh ủy. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lộc Ninh đang không ngừng bộ; phát huy đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của Nhân dân, với phương châm huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Cùng với toàn Đảng, Nhân dân huyện Lộc Ninh đẩy mạnh thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương, đất nước; Đảng bộ và quân dân Lộc Ninh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.