Hoạt động Hội NCT ở tỉnh Cao Bằng - Những khó khăn cần “hóa giải”
Hoạt động hội 01/04/2023 13:47
Ông Đỗ Quang Sơn |
PV: Thưa ông Đỗ Quang Sơn, xin ông cho biết tình hình mô hình tổ chức, công tác cán bộ ở Hội NCT các cấp tỉnh Cao Bằng?
Ông Đỗ Quang Sơn: Từ đầu năm 2012, BĐD Hội NCT tỉnh đã tham mưu cho Đảng đoàn MTTQ tỉnh trình Tỉnh ủy tách BĐD Hội NCT tỉnh ra hoạt động Hội có tính chất đặc thù. Tiếp đó, Hội phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định BĐD Hội NCT là tổ chức Hội hoạt động có tính chất đặc thù và quyết định Phó Trưởng ban chuyên trách là cán bộ nghỉ hưu. Ngày 19/10/2012, Tỉnh ủy có Quyết định số 1501 chuyển giao tổ chức, bộ máy BĐD Hội NCT tỉnh sang trực thuộc UBND tỉnh quản lí. Ngày 5/11/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1651 tiếp nhận BĐD Hội NCT tỉnh Cao Bằng. Ngày 15/11/2012 đã diễn ra cuộc bàn giao tổ chức, bộ máy BĐD Hội NCT tỉnh sang trực thuộc UBND tỉnh quản lí và giao bổ sung 1 biên chế thực hiện công tác kế toán, văn phòng. Tháng 12/2012, UBND tỉnh bổ sung nguyên lãnh đạo tỉnh nghỉ hưu làm Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh thay thế đồng chí lãnh đạo MTTQ kiêm Trưởng ban.
Từ năm 2013 đến nay, BĐD Hội NCT tỉnh có từ 9 đến 15 Ủy viên; có 2 NCT làm Thường trực, 1 viên chức làm công tác văn phòng, kế toán. BĐD Hội NCT cấp huyện, thành phố có từ 7-11 Ủy viên, hoạt động kiêm nhiệm; Trưởng ban do lãnh đạo Ủy ban MTTQ cùng cấp kiêm nhiệm, các Ủy viên là lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể liên quan, chưa được bố trí NCT làm bộ phận Thường trực (Trưởng ban được hưởng phụ cấp 10%).
Bài dưỡng sinh của NCT thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng |
Tại các xã, phường, thị trấn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NCT cơ bản là nguyên lãnh đạo các ban ngành, Công an, quân sự, MTTQ và các đoàn thể, trường học. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ Hội luôn được quan tâm kiện toàn đủ số lượng, nâng cao chất lượng (Chủ tịch Hội hưởng phụ cấp 0,8, cấp phó và các Ủy viên Ban Chấp hành, Chi hội trưởng không có phụ cấp).
Trong 10 năm qua, BĐD Hội NCT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, đề xuất về xây dựng tổ chức, bộ máy Hội NCT; trình tỉnh xin đề nghị cho NCT làm Thường trực chuyên trách BĐD Hội NCT cấp huyện và công nhận cấp huyện, cấp xã là Hội đặc thù. Tuy nhiên do tỉnh còn khó khăn nên Hội cấp huyện, xã chưa được công nhận là Hội đặc thù, vì vậy kinh phí hỗ trợ cho Hội hoạt động gần như không có (cấp huyện chủ yếu dựa vào MTTQ, cấp xã chủ yếu là xã hội hóa).
Thăm mô hình NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Cao Bằng |
PV: Hoạt động của Hội có những ưu điểm và khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?
Ông Đỗ Quang Sơn: Những năm qua, các cấp Hội NCT trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Trung ương Hội, giúp đỡ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp; đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, hội viên. Công tác Hội NCT đã có những chuyển biến rõ rệt. Bộ máy tổ chức Hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn; công tác phát triển hội viên được chú trọng. Hội NCT các cấp hoạt động dần dần đi vào nền nếp, có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Hội NCT đã thực sự phát huy vai trò, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ, chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT. Các hoạt động của Hội đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của NCT, góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp và các tầng lớp nhân dân về công tác Hội NCT và NCT.
Cán bộ, hội viên NCT các cấp luôn phát huy vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”; nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia các hoạt động do Hội và địa phương phát động, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định như: Mô hình tổ chức Hội chưa đồng bộ, cấp Trung ương và cấp cơ sở là Hội NCT; cấp tỉnh, huyện là BĐD Hội NCT (trong đó cán bộ cấp huyện, thành phố đều kiêm nhiệm, chưa được bố trí cán bộ NCT chuyên trách). Vì là mô hình BĐD không phải cấp trên của cấp huyện và xã nên hạn chế trong công tác chỉ đạo, các hoạt động chỉ mang tính chất hướng dẫn nên hiệu lực, hiệu quả công việc không cao. BĐD Hội NCT cấp huyện và Hội NCT cấp xã không được công nhận có tính chất đặc thù nên việc cấp kinh phí hỗ trợ cho hoạt động rất khó khăn (gần như không được cấp).
Cán bộ làm công tác Hội NCT tỉnh Cao Bằng tâm huyết, trách nhiệm, làm việc khoa học, bài bản |
BĐD Hội NCT cấp huyện, thành phố do lãnh đạo Ủy ban MTTQ cùng cấp kiêm nhiệm, rất bận về công tác chuyên môn nên hạn chế đối với công tác Hội NCT. Cán bộ có nhiều thay đổi vị trí công tác, tuổi đời còn trẻ nên hạn chế trong việc nắm tâm tư nguyện vọng của NCT, từ đó còn lúng túng trong phương pháp lãnh đạo điều hành các hoạt động của tổ chức Hội.
Phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” chưa được rộng khắp, đặc biệt là những địa phương vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Là tỉnh nghèo nên việc xã hội hóa xây dựng quỹ để chăm sóc và phát huy vai trò NCT rất khó khăn.
PV: Ông có kiến nghị, đề xuất gì với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ Hội hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Đỗ Quang Sơn: Chúng tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có văn bản mới về lãnh đạo Hội NCT, thay thế Chỉ thị số 59-CT/TW của Ban Bí thư (khoá VII); đồng thời cho sớm chuyển đổi mô hình tổ chức Hội thống nhất trong cả nước; kiện toàn bộ máy cán bộ, có chế độ phụ cấp phù hợp cho cán bộ Hội NCT các cấp. Đề nghị hạ độ tuổi NCT được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên diện rộng.
Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm bổ sung thêm một chuyên trách cho Hội cấp tỉnh; bố trí cán bộ chuyên trách (là người nghỉ hưu) làm lãnh đạo Hội NCT cấp huyện, thành phố để tạo thuận lợi cho Hội thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động công tác Hội NCT cấp huyện và cơ sở.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!