Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, tăng năng lực cạnh tranh
Kinh tế 12/02/2020 08:38
Hỗ trợ cho hộ kinh doanh lớn lên
Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đóng góp tới 40% GDP nhưng khu vực này đang có một nghịch lí là trên 700 nghìn DN đóng góp chính thức chỉ vẻn vẹn 10% GDP, còn lại 30% GDP thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó 2 triệu hộ kinh doanh có đăng kí. Không một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy!
Xét về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về quyền kinh doanh, nội bộ hộ kinh doanh thiếu vắng một khung khổ quản trị hiệu quả cùng trách nhiệm cụ thể của các cá nhân tham gia. Hơn nữa, quản lí nhà nước đối với kinh doanh còn thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ lớn lên.
Cần đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lí tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh, cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và tổ chức phải được quy định bằng văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp nghị định, thông tư như hiện nay.
Tăng năng lực cạnh tranh của KTTN
Để KTTN phát triển xứng tầm cần giải quyết 3 vấn đề: Một là phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển DNTN. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân yên tâm đầu tư, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.
Hai là, việc xác định chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để KTTN phát triển bền vững. Cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Hiện năng suất lao động của ta khá thấp, thiếu nhiều lao động trình độ cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 2,2% và tỉ lệ những người có trình độ đào tạo phù hợp với công việc khoảng 40% nhưng tỉ lệ này lại đang có xu hướng giảm xuống trong khi xu hướng của các nước đã tăng lên.
Ba là, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước, giúp KTTN nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giúp DNTN phát triển bền vững.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho KTTN cần có giải pháp khuyến khích thu hút KTTN tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc... với cơ chế, chính sách phù hợp, công khai. Đặt DNTN là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường tối đa với những người dẫn dắt thị trường. Chỉ có tạo ra “sân chơi” cạnh tranh thì mới có hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng cho cộng đồng DNTN.