Hiểu về người cao tuổi để chăm sóc tốt hơn
Chăm sóc NCT 07/03/2023 09:35
Từ đặc điểm cơ thể…
Sức khỏe là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của NCT. Khi có sức khỏe tốt NCT có điều kiện tốt hơn trong hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội tại địa bàn cư trú. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn cuối cuộc đời, do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, NCT bị suy giảm sức khỏe một cách rõ nét.
Do vậy, đặc điểm đầu tiên cần hiểu NCT chính là sự lão hoá toàn diện về cơ thể. Tình trạng này có thể đếm sớm hay muộn tùy thuộc vào thể trạng từng người. Khi bước vào tuổi già, các phản ứng cơ thể kém nhanh nhạy, khả năng tự điều chỉnh và thích nghi cũng giảm dần. Trong giai đoạn này, cơ thể có những thay đổi thể chất theo chiều hướng đi xuống như: Về diện mạo (tóc bạc, da mồi, nếp nhăn, da khô và thô hơn, các mạch máu mỏng vỡ ra, tạo thành các chất xanh đen nhỏ dưới da,…); hàm răng yếu làm cho NCT ngại dùng các thức ăn cứng, khô; các giác quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi) hoạt động ngày càng kém hiệu quả; các cơ quan nội tạng như tim, phổi cũng yếu đi (thích nghi với điều kiện thời tiết chậm hơn và gây rủi ro cho sức khỏe của họ); khả năng tình dục giảm dần,…
Mỗi chúng ta cần hiểu về NCT để chăm sóc họ tốt hơn (Ảnh IT) |
Do sức khỏe NCT giảm sút nhiều, họ thường mắc chứng đa bệnh (nhiều bệnh cùng lúc). Bệnh ở NCT thường bắt đầu không ồ ạt, các dấu hiệu thường không rõ rệt, tiến trình âm thầm và ảnh hưởng tới toàn thân, dẫn đến suy kiệt nhanh chóng.
NCT thường mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp (cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim,…); các bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh gút,…); các bệnh về hô hấp (viêm phổi, cảm, sốt, ung thư phổi,…); các bệnh về răng miệng (sâu răng, nha chu, khô miệng,…); các bệnh về tiêu hóa và dinh dưỡng (rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng). Ngoài ra, NCT còn hay mắc các bệnh về ung bướu, thần kinh và các bệnh về sức khỏe tâm thần,… nhưng khả năng phục hồi sức khỏe ở NCT mắc bệnh rất kém.
Bên cạnh đó, khả năng vận động của NCT giảm nhiều, nguy cơ loãng xương cao, trí nhớ giảm sút, khiến NCT hay quên. Ngoài ra, thị lực và thính giác cũng giảm sút rõ rệt. Sự suy giảm về sức khỏe là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, hành vi và tâm lí, tình cảm của NCT. Nhiều NCT trở thành người khuyết tật khi về già. Do cơ thể lão hóa, hoặc tổn thương do bệnh lí sẽ làm yếu, thậm chí mất hẳn chức năng của tai, mắt, chức năng vận động. Khả năng sống độc lập của NCT bị đe dọa khi tình trạng khuyết tật về thể chất hoặc tâm thần gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, NCT thường hay có tâm lí giấu bệnh và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình với người thân. Hơn nữa, cách nhận biết và kĩ năng chăm sóc của người thân hay nhân viên ở các trung tâm xã hội cho NCT còn hạn chế, nên cần phải quan tâm thường xuyên, liên tục để có sự hỗ trợ phát hiện và điều trị kịp thời cho NCT.
Đến tâm lí và tình cảm
Một số NCT có cảm xúc tích cực như thanh thản, có nhiều thời gian gặp gỡ bạn bè, chăm sóc sức khỏe cá nhân; hạnh phúc vì được chăm lo, giáo dục, dạy bảo con cháu; cảm giác hài lòng với cuộc sống. Một số NCT lại có những thay đổi tâm lí thường gặp là hướng về quá khứ; chuyển từ trạng thái “tích cực” sang “tiêu cực” và có những biểu hiện như thấy bất lực và dễ tủi thân; nói nhiều hoặc dễ bị trầm cảm; sợ phải đối mặt với cái chết,…
NCT hay hướng về quá khứ để giải tỏa những ưu phiền trong cuộc sống hiện tại. Do vậy, họ thường thích hội họp, thăm bạn cũ, tham gia các tổ chức đoàn thể có nhiều hoạt động chia sẻ tình cảm nhưHội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu giáo chức, Hội NCT…
Họ thích ôn lại chuyện cũ, viết hồi kí, tái hiện kinh nghiệm sống, hướng về cội nguồn, tổ tiên, thích tìm những hoài niệm, cổ vật… Ở một số NCT xuất hiện cảm xúc tiêu cực, từ làm việc chủ động, sang nghỉ ngơi. Thậm chí nhiều NCT đang giữ chức vụ cao, vị trí quan trọng, có quyền lực, ảnh hướng lớn trong xã hội, khi nghỉ hưu xuất hiện tình trạng hụt hẫng, tiêu cực do cảm giác mình không còn tầm ảnh hưởng trong xã hội, không còn quyền lực… nên thường hay gặp phải “hội chứng về hưu”.
NCT luôn cảm thấy cô đơn và mong được quan tâm, chăm sóc trong khi con cháu lại bận rộn với công việc, học hành và ít quan tâm, thậm chí bỏ rơi NCT. Do tuổi tác cao, NCT suy giảm về sức khỏe, sinh hoạt phần lớn dựa vào con cháu. Điều này, dễ nảy sinh tâm lí chán nản, buồn phiền. Chỉ cần một thái độ hoặc lời nói vô tình hay không tế nhị sẽ khiến NCT cảm thấy tủi thân, cho rằng mình đã già, không còn vai trò, nên bị con cháu và xã hội không quan tâm.
Hơn nữa, NCT thường hay nói nhiều, muốn truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho con cháu, muốn con cháu học theo những gì mình đã trải qua và sống theo khuôn khổ đạo đức mà mình đã tích lũy, họ hay bắt lỗi, đôi khi còn làm cho người khác thấy khó chịu.
Với bộ phận NCT có tính bảo thủ, khó thích ứng với sự thay đổi về sức khỏe, công việc, vai trò,… thậm chí có NCT xuất hiện bệnh trầm cảm, do đang dang dở những hoài bão, những công việc chưa thực hiện được. Khi nghỉ hưu họ muốn con cháu tiếp tục ước mơ đó, nhưng không được đáp ứng… dẫn đến “trái tính, trái nết” và can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của con cháu.
Mặt khác, biết sinh tử là quy luật của tự nhiên, nhiều NCT chủ động bàn chuyện hậu sự, viết di chúc cho con cháu, nhưng không ít NCT vẫn sợ cái chết, không dám đối diện với nó.