‘Hiến kế’ để làm lành mạnh thị trường tài chính, phục hồi nền kinh tế
Thị trường 26/04/2022 16:59
Cơ quan chức năng đã xử nghiêm việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định; cá nhân thao túng chứng khoán để làm trong sạch thị trường. Ảnh: CTV. |
Bất ổn của thị trường tài chính
Theo Bộ Tài chính, thị trường vốn tại Việt Nam đã vận hành đầy đủ các cấu phần, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021. Hiện, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7%GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp - TPDN là 14,2% GDP).
Tuy nhiên thời gian qua, vụ việc Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu không đúng quy định và những vụ việc thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) của Chủ tịch Công ty FLC hay Công ty chứng khoán Trí Việt... đã cho thấy những cảnh báo về bất ổn vĩ mô và bất ổn trong hệ thống tài chính.
Báo cáo nghiên cứu kinh tế thường niên “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của NEU lưu ý: Kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn với những nguy cơ gia tăng lạm phát, nợ xấu, "bong bóng" bất động sản và chứng khoán.
PGS TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU cho biết: “Về rủi ro bất ổn tại khu vực tài chính tiền tệ, mối quan tâm lớn nhất hiện là thị trường nợ. Thị trường TPDN Việt Nam, tính tỷ lệ trên GDP không lớn so quốc gia khác nhưng lại có rủi ro vì 40% trái phiếu phát hành là của doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ quy mô phát hành tăng cao, lãi suất TPDN bất động sản cũng lên tới 12 - 13%/năm”.
Theo ông Tô Trung Thành, gần 30% TPDN bất động sản không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu nên chất lượng tài sản bảo đảm kém, mức độ rủi ro lớn. 80% giá trị trái phiếu phát hành thuộc về doanh nghiệp chưa niêm yết. Do đó, khả năng tiếp cận thông tin, tính minh bạch của doanh nghiệp rất hạn chế, mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền, như trường hợp của Tân Hoàng Minh, dẫn đến đẩy rủi ro cho người mua. Không chỉ vậy, Việt Nam hiện thiếu vắng thông tin xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ.
Theo NEU, những rủi ro trên của thị trường TPDN có nguy cơ lây chéo cho ngân hàng và công ty chứng khoán vì 74% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản do ngân hàng và công ty chứng khoán thuộc ngân hàng nắm giữ.
Bản thân TTCK cũng tồn tại những rủi ro, bất ổn, thể hiện ở mức độ nhà đầu tư cá nhân mới, thiếu hiểu biết thị trường tăng kỷ lục. Số lượng doanh nghiệp niêm yết ít, gây mất cân đối cung cầu trong khi chất lượng không đồng đều. Tình trạng thao túng giá cổ phiếu có dấu hiệu nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến niềm tin và tính minh bạch thị trường. Rủi ro "bong bóng" của thị trường ngày càng rõ khi tỷ lệ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu ở mức 130%. Những bất ổn của khu vực tài chính tiền tệ như: Chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, TTCK chưa thực sự lành mạnh... sẽ có tác động ngược trở lại các khu vực khác, đặc biệt ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.
Hướng tới thị trường tài chính minh bạch
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục duy trì theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tập trung vào một số giải pháp chính như:
Đối với thị trường cổ phiếu, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Trước mắt tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như: Cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh; triển khai các giải pháp đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt.
Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ: Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đảm bảo huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. “Phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu....Bộ Tài chính cũng sẽ kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên TTCK.
"Đề nghị cần xem xét TPDN bất động sản như một khoản nợ bất động sản dưới chuẩn, áp dụng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) với mọi định chế (gồm cả công ty chứng khoán, quỹ…) nắm giữ loại giấy tờ có giá này; cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán TPDN trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường", PGS TS Tô Trung Thành, nhóm nghiên cứu của NEU cho biết.
Theo đó, cần loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường bất động sản, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản; cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch tại mọi cấp chính quyền; xây dựng và nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ đối với lập, thực hiện, quản lý quy hoạch sử dụng đất, đô thị từ trung ương đến địa phương; cần có sửa đổi quy định về định giá đất đai.
Năm 2022, nhóm nghiên cứu của NEU dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% nhưng mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ khó có khả năng đạt được. Nguyên nhân chủ yếu đến từ xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu cộng thêm chiến tranh Nga - Ukraine leo thang, đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.
Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.
Về động lực tăng trưởng, báo cáo NEU nhận định: Động lực tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu. Đồng thời, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của đại dịch; đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022. Những chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm được thực hiện giúp tăng các mức chi tiêu, đóng góp lớn vào quy mô nền kinh tế.
Ngành sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Đây là ngành có vai trò lớn trong đóng góp vào tăng trưởng trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng năm 2022 cũng được dự báo ở mức cao hơn, thông qua dự báo tăng trưởng TFP và năng suất lao động được cải thiện.
Các chuyên gia của NEU khuyến nghị: Chính phủ cần quán triệt một số quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách. Đầu tiên, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế, sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Đồng thời, trong khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.
Đối với TTCK, cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường vững chắc, bảo đảm là kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Phát triển thị trường TPDN theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường và có chế tài xử lý nghiêm.
[//baotintuc.vn/kinh-te/hien-ke-de-lam-lanh-manh-thi-truong-tai-chinh-phuc-hoi-nen-kinh-te-20220425202042081.htm]
Liều nhảy vào bắt đáy, VN-Index phục hồi sau cú sụt 50 điểm Đa số các cổ phiếu lớn nhỏ tiếp tục giảm sâu ngay đầu giờ sáng phiên giao dịch 26/4. Tuy nhiên, cuối phiên đã xuất ... |
Không để thị trường trở thành nơi "lướt sóng", "đánh bạc" Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững, phải cạnh tranh lành mạnh. Không để thị trường ... |