Giàu lên từ nuôi lợn rừng
Tuổi cao gương sáng 05/04/2018 14:23
Sinh ra trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền, nhưng ông Ngân không nối nghiệp nhà mà theo con đường làm kinh tế trang trại. Năm 1974, hoàn thành nhiệm vụ trong lực lượng Thanh niên xung phong trên tuyến đường Bắc Nghệ An vào Nam Quảng Bình, ông về quê xây dựng gia đình. Năm 1978, ông theo học khoa Trồng trọt tại trường Trung cấp Nông lâm. Ra trường, ông đưa vợ con đi tìm vùng đất mới, đến năm 2004 thì định cư tại xóm 2, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Từ 2004 - 2007 là quá trình tìm tòi, thử nghiệm các mô hình làm kinh tế như trồng rừng, mía, ngô, sắn; chăn nuôi lợn, gà, bò lai sin… song đều cho thu nhập thấp.
Năm 2009, ông Ngân đến các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh)… tìm hiểu cách nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, ông lên huyện Tương Dương mua 2 con lợn rừng thế hệ F1 với giá 19 triệu đồng. Qua nhiều năm nhân giống, đàn lợn rừng của ông đã có gần 200 con, trong đó lợn thịt 160 con, lợn nái 20 con và chục con lợn cồi.
Đàn lợn rừng của gia đình ông Bùi Hoàng Ngân
Để nuôi lợn có hiệu quả và được khách hàng ưa chuộng, ông chọn cách thả lợn vào rừng. Với 30 ha rừng tái sinh, ông thuê máy đào một con mương dài 1.300m, rộng 4m, sâu 3m. Phía trong mương, ông trồng chuối, dừa, củ sả, đu đủ, cỏ voi. Phía ngoài, ông trồng tre, keo, tràm lá nhỏ…, ken dày thành một tường rào và bọc lưới B40. Cứ sáng sớm, ông mở cửa chuồng để lợn vào rừng kiếm ăn, chiều lại đánh kẻng gọi lợn về. Đàn lợn sống tự do, được quản lí bằng chế độ ăn sáng, chiều và hiệu lệnh kẻng, tạo phản xạ có điều kiện. Do được khoanh nuôi trên diện tích rừng lớn, đàn lợn tự kiếm các loại thức ăn tự nhiên như chuối rừng, hoa quả, lá cây, giun dế. Chiều về, ông cho ăn cỏ voi, sắn, ngô, rau củ quả và muối khoáng. Với cách nuôi bán tự nhiên này, chất lượng sản phẩm sạch, ngon, an toàn hơn nhiều so với lợn nuôi nhốt.
Bình quân hằng năm lợn sinh sản 2 - 3 lứa, khoảng trên 200 con. Tết Mậu Tuất vừa rồi, ông xuất chuồng 133 con, bình quân 30 - 35 kg/con với giá mua 110.000 đồng/kg lợn hơi. Khách hàng của ông đại bộ phận là cán bộ công chức và các nhà hàng đặc sản trong huyện, tỉnh… Họ đặt hàng vào tháng 10 - 11 âm lịch hằng năm nên giá lợn luôn ổn định. Ngoài nuôi lợn rừng, ông còn nuôi cá, dê, bò, gà và hàng trăm con ba ba gai… đều cho thu nhập cao.
Hiện mô hình nuôi lợn rừng của ông Ngân được nhân rộng hiệu quả, ai muốn làm, ông sẵn sàng cung cấp con giống và kinh nghiệm nên đã có 28 hộ trong xã Hương Sơn làm theo. Ông Ngân tâm sự: “Sắp tới tôi định đầu tư thêm một số máy chế biến thức ăn gia súc để phát triển đàn lợn và ao cá theo mô hình VAC. Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu ra sản phẩm, để gia đình an tâm sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Thanh Hồng