Giao thừa vắng nhà để nhiều gia đình có Tết
Y tế 01/02/2022 11:53
BS. Đồng Phú Khiêm xử lý công việc những ngày cận kề Tết Nhâm Dần - Ảnh: VGP/Đức Duy |
Ca mổ kịch tính ngày giáp Tết
Khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, những cành đào, chậu quất khoe sắc trong không gian của nhiều gia đình thì tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), sự khẩn trương vẫn luôn thường trực tại Khoa Hồi sức tích cực.
Thời điểm này, Khoa Hồi sức tích cực đang có 6 ca bệnh COVID-19 nguy kịch, phải can thiệp tim, phổi nhân tạo và gần 40 ca bệnh khác đang phải thở máy.
Vừa ra khỏi buồng mổ, BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mắt sáng ngời chia sẻ với chúng tôi: "Thai phụ 29 tuần mắc COVID trở nặng và đặt ECMO. Định chờ tình trạng mẹ ổn định hơn mới mổ nhưng không được nữa, phải mổ sớm để tránh nhiễm trùng, cứu mẹ. Ca mổ đã thành công".
Đây là một ca bệnh rất nặng. Bệnh nhân N.T.T (39 tuổi), mắc COVID-19 khi đang mang thai 29 tuần tuổi. Do bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân được chuyển từ Nghệ An đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp nặng, phải thở máy và duy trì tim, phổi nhân tạo (đặt ECMO). Tuy nhiên, bệnh nhân bị rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, khiến thai lưu.
Một cuộc hội chẩn khẩn trương đã diễn ra rất nhanh với có sự tham gia của các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Gây mê, Khoa Ngoại (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) và Khoa Sản (BV Phụ sản Trung ương). Chỉ trong ít phút, các bác sĩ quyết định mổ bỏ thai lưu, cứu mẹ, tránh nhiễm trùng.
Đây không phải là ca bệnh thai lưu duy nhất mà BS. Đồng Phú Khiêm và đồng nghiệp tiếp nhận, xử lý. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, nhóm bệnh nhân nặng tại Bệnh viện chủ yếu là phụ nữ mang thai, chưa hoặc không thể tiêm phòng vaccine COVID-19. Nhóm thai phụ có tuần tuổi càng cao thì nguy cơ chuyển nặng càng lớn.
Khoa HSTC là khoa đặc biệt, sự hồi sinh rất mong manh nhưng BS. Khiêm và đồng nghiệp của khoa vẫn đặt mục tiêu phải cứu cả mẹ lẫn con.
Là ông bố của 3 đứa con nên đứng trước những ca bệnh thai lưu, BS. Khiêm luôn tâm niệm với chính mình phải "cố gắng, cố gắng bằng tất cả những gì đang có trong tay, đặc biệt là những trường hợp cao tuổi có thai hiếm muộn, mang thai nhờ can thiệp IVF".
BS. Khiêm cùng đồng nghiệp luôn rà soát, đánh giá từng bệnh nhân. Để điều trị thành công cho 1 bệnh nhân sẽ cần công sức của cả một tập thể trong thời gian rất dài. Cứ mỗi khi sự sống được bảo đảm cho các ca bệnh nhân chạy ECMO là niềm hân hoan, hạnh phúc dâng trào không thể giấu được trên khuôn mặt của những chiến sĩ khoác áo blouse trắng. Đó luôn là niềm vui lớn nhất với họ.
Tết đâu cũng là nhà
Trước khi diễn ra ca mổ thai lưu kịch tính, BS. Khiêm chỉ vừa bắt đầu đợt trực được ít ngày.
Cũng giống bao y, bác sĩ khác, để toàn tâm toàn ý cho công tác điều trị tại Bệnh viện, trước khi tiếp nhận đợt trực dài ngày, BS. Đồng Phú Khiêm cũng để lại mọi việc gia đình cho "hậu phương".
Ngày "lên đường", khi vừa chạm chân đến cổng Bệnh viện cũng là lúc anh nhận được tin nhắn từ "hậu phương". Những dòng tin ngắn gọn nhưng lại khiến lòng anh thắt lại: "Anh ơi, con ngủ dậy tìm ba, bắt đền mẹ vì con chưa ngủ dậy mà ba đã đi".
BS. Đồng Phú Khiêm có 3 người con, hai con lớn đã hiểu chuyện và thường xuyên chia sẻ với anh. Còn con út mới 4 tuổi nên anh và gia đình phải làm ‘công tác tư tưởng" từ vài ngày trước khi anh "lên đường".
BS. Khiêm chia sẻ, chuyến đi nào cũng thế, cứ sát ngày "lên đường" là anh phải nhắc đi nhắc lại với con út rằng "ba phải đi chống dịch xa nhà, ba sắp đi rồi, đợt này ba sẽ đi lâu lâu mới về nhé... Nói ra, thấy buồn lắm vì thương các con nhỏ".
Cũng như Tết năm ngoái, Tết Nhâm Dần năm nay, BS. Đồng Phú Khiêm lại vắng nhà, những bữa cơm quây quần gia đình đầu năm mới sẽ thiếu vắng anh, thiếu vắng những giây phút cùng nhau đón Giao thừa, đón năm mới.
"Có đôi lúc, tôi thèm được đón khoảnh khắc Giao thừa một cách trọn vẹn như những năm chưa xuất hiện COVID-19. Vài người bạn thân nhắn tin bảo, Tết đâu cũng là nhà, ông bạn nhỉ", BS. Đồng Phú Khiêm chia sẻ.
Một lời nhắn nhủ vừa hỏi thăm, vừa là sự khích lệ anh vững tâm với sứ mệnh thiêng liêng. BS. Khiêm giãi bày: "Từ ngày có dịch, tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, nên Giao thừa năm nay, nếu tình hình các ca bệnh tiến triển tích cực hơn, các ý bác sĩ có thể đón Giao thừa với những chiếc bánh chưng, khoanh giò được gửi từ 'hậu phương', cùng những câu chúc đậm nghĩa tình được lan tỏa khắp khoa phòng của Bệnh viện".
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, rất nhiều y, bác sĩ như BS. Đồng Phú Khiêm phải xa nhà cả tháng, thậm chí vài tháng. Họ phải tạm gác lại những hạnh phúc của cá nhân, những giây phút ấm áp bên gia đình để "trực chiến". Họ "chiến đấu" với mong mỏi duy nhất: Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nữa, các ca nặng giảm hơn nữa để bệnh nhân được khỏe mạnh trở lại, người nhà bệnh nhân không còn những nỗi lo và để kế hoạch "bù đắp" cho gia đình của các y bác sĩ trong suốt 2 năm chống dịch vừa qua trở thành hiện thực.
Địa phương không được tự đặt ra yêu cầu chống dịch trái với quy định Công điện của Thủ tướng nêu rõ các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với ... |
Công an Hà Nội cảnh báo bẫy lừa đảo vay tiền online ngày Tết Nhóm đối tượng lừa đảo liên hệ tới người dân, tự xưng là nhân viên ngân hàng, cho vay tiền dịp Tết Nguyên đán song ... |