Fe Credit – con dao hai lưỡi của VPBank?
Đầu tư - Tài chính 08/11/2019 13:22
Ảnh minh họa |
VPBank và hai mũi tên đối lập
Từ đầu năm 2019 đến nay, Fe Credit ồ ạt tuyển nhân sự trong khi VPBank nỗi lực giảm nợ xấu. Trong quý 3/2019, việc cắt giảm lượng nhân sự khá lớn là một trong những yếu tố giúp VPBank tiết kiệm chi phí hoạt động. Báo cáo tài chính quý 3/2019 do VPBank mới công bố, tổng số nhân viên của VPBank (ngân hàng mẹ) cuối tháng 9/2019 chỉ còn 9.144 người, giảm tới 2.324 nhân viên so với hồi đầu năm.
Tính cả các công ty con, tổng số nhân sự của VPBank (hợp nhất) cuối tháng 9/2019 là 26.733 nhân viên, giảm 696 người so với hồi đầu năm.
Trong quý 3/2019, lợi nhuận trước thuế của VPBank (hợp nhất) đạt 2.856 tỷ, tăng tới 63% so với cùng kỳ. Với việc tiếp tục cắt giảm mạnh nhân sự, chi phí hoạt động của VPBank trong quý 3 chỉ ở mức 3.122 tỷ đồng, tăng 18 tỷ (tương đương 0,6%) so với cùng kỳ năm 2018.
CIR 9 tháng của ngân hàng hợp nhất xuống còn 34% so với mức 35% trong nửa đầu năm. Còn tại ngân hàng mẹ, CIR cũng giảm từ 41,3% hồi cuối tháng 6/2019 xuống còn 38% cuối tháng 9/2019.
Việc bứt tốc mạnh mẽ trong quý 3, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của FE Credit là gần 3.500 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 49% cho lợi nhuận ngân hàng hợp nhất.
Là mảng cốt lõi đem về nửa lợi nhuận cho toàn hệ thống nên VPB tiếp tục tăng cường nhân sự cho mảng Fe Credit để duy trì tốc độ tăng trưởng. Như vậy, trong khi cắt giảm mạnh nhân sự ở ngân hàng mẹ, VPBank vẫn tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn khá nhiều ở các công ty con (chủ yếu là FE Credit).
Fe Credit giúp VPB tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ suốt thời gian qua. Nhưng, trên thị trường đang xuất hiện ngày một nhiều đối thủ cạnh tranh nên VPB đang nỗ lực tìm thêm hướng mới, tất nhiên hướng này khó có thể đem lại siêu lợi nhuận như Fe Credit từng làm.
Tăng quy mô của Fe Credit đồng nghĩa với việc VPB phải cật lực cân đối để ổn định tài chính. Thêm nhân sự, thêm khách hàng có nghĩa nhóm khách phức tạp của VPB sẽ tăng lên. Trong khi VPB cần giải bài toán nợ xấu. Theo giới chuyên gia, đó cũng là mâu thuẫn của VPB hiện tại.
FE Credit đang dẫn đầu thị trường tín dụng tiêu dùng với 53% thị phần và cũng là công ty tài chính liên tục bị tố với một loạt lùm xùm liên quan đến thu hồi nợ, quấy rối khách hàng gần đây. Ảnh: FE Credit. |
Nợ xấu Fecredit “ăn mòn” uy tín của VPBank?
Đi kèm với những con số tạo lợi nhuận "đẹp như tranh" nói trên, VPBank cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu rất cao. Chưa kể, phân khúc khách hàng mà VPBank đang đối mặt cũng khá rủi ro, chủ yếu là tín chấp với bán lẻ và vẫn còn nhiều bóng dáng của các ông lớn "bất động sản" trong mảng bán buôn. Tức tỷ lệ nợ xấu thực tế còn nằm trong chính nhóm khách hàng hiện tại.
Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu hợp nhất của VPBank đang ở mức 3,1%. Nợ xấu của FE Credit 5,21% cuối quý 3/2019.
Dù kết quả kinh doanh và nợ xấu liên tục cải thiện qua các quý, nhưng cố phiếu VPB không bứt phá mạnh. Giới đầu tư chứng khoán lo ngại, con số nợ xấu báo cáo của VPBank cũng chưa hẳn đã cải thiện thực chất như báo cáo. Hơn 3% nợ xấu, tức VPB thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu tỷ lệ nợ xấu cao.
Nhưng nợ xấu của VPB còn ẩn trong nhóm khách hàng phức tạp hiện tại. Cơ cấu kinh doanh của VPB chủ yếu phụ thuộc vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit (khoảng xấp xỉ 50% tổng thu nhập lãi thuần). Trong mảng FE Credit, có 4 nhóm sản phẩm chính là cho vay tiền mặt, cho vay tiền mặt đảo nợ chéo, cho vay mua xe máy và cho vay mua hàng điện tử gia dụng.
Trong đó, theo tìm hiểu cho vay mua điện thoại điện máy là mảng FE chấp nhận thua lỗ với các chương trình 0% nhằm thu hút được lượng khách lớn. Theo một nguồn tin, 3/4 lợi nhuận của FE lại đến từ 2 nhóm sản phẩm cho vay tiền mặt chính là cho vay tiền mặt và vay tiền mặt đảo nợ chéo. Điều này dẫn đến mức lãi suất cho vay trung bình của FE lên đến hơn 40%, và chủ yếu là các khoản cho vay tín chấp nhằm đảo nợ.
Cũng bởi vậy, thời gian quan liên tục xuất hiện tình trạng khách hàng phàn nàn về việc lãi suất giống tín dụng đen và thái độ không tốt của đội ngũ đòi nợ. Tìm kiếm trên Google có hàng nghìn kết quả phản ánh của khách hàng về việc vay vốn tín dụng tại FE Credit.
Vì thủ tục khá gọn nhẹ, nên nhiều người cũng không ngại bỏ ra chút thời gian để được mua hàng với lãi suất 0%. FE Credit cũng đã nhiều lần bị người tiêu dùng ý kiến gửi lên cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vì có hành vi liên hệ thu hồi nợ kiểu quấy rối, đe dọa khách hàng.
Fe Credit có rất nhiều hình thức để kéo được khách hàng vay tiền. Không ít lần, FE Credit bị tố “liên kết lừa đảo” với một số đơn vị khác bán hàng trả góp qua hợp đồng dài loằng ngoằng. Khi đọc lại hợp đồng đã ký, nhiều người mới biết mình đã đứng tên vay từ công ty tài chính FE Credit chứ không như lời nhân viên nói, mang hàng về dùng không hợp có thể trả lại.
Nghiêm trọng hơn, có trường hợp không vay nợ cũng bị FE Credit đòi tiền. Theo đó, thời gian gần đây, bà Trần Thị Diễm Phương (SN 1978, trú TP Pleiku, Gia Lai) có đơn gửi cơ quan báo chí tố cáo việc, bà liên tục bị Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho người đòi tiền, gọi điện cho người thân, bạn bè gây áp lực. Sự việc không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần bà Phương mà còn gây "cản trở" rất lớn đối với việc kinh doanh của gia đình bà.
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp vay tín dụng ngân hàng thông qua người quen, nhưng khi ký hợp đồng lại là của Fecredit...
Có thể thấy, khách hàng không cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, Công ty Tài chính Fecredit đã “đưa khách hàng vào thế đã rồi”. Khách chậm trả vài ngày đến 1 tuần là sẽ có ngay một đội quân “truy tìm” bằng mọi cách, gọi điện thoại đe dọa, gây áp lực tinh thần, thậm chí là làm mất danh dự của khách hàng.
Lực lượng Công an phát hiện các đối tượng mang theo một số vật dụng gồm 2 bình sơn màu đỏ và các tờ giấy A4, in dòng chữ “Trần Ngọc M. M. – trả nợ cho bố…”. Ảnh: Dân trí |
Mang sơn đi đòi nợ
Theo tìm hiểu, rạng sáng 25/7/2018, tổ hình sự đặc nhiệm thuộc Đội CSHS Công an quận 9, TP.HCM trong quá trình tuần tra phát hiện Nguyễn Anh Quốc (khai là nhân viên xử lý nợ của FeCredit chi nhánh Tân Bình) cùng 3 thanh niên khác mang theo một số vật dụng gồm bình sơn và tờ rơi đi xử lý nợ cho Fe.
Cụ thể, lực lượng Công an phát hiện các đối tượng mang theo một số vật dụng gồm 2 bình sơn màu đỏ và các tờ giấy A4, in dòng chữ “Trần Ngọc M. M. – trả nợ cho bố…”. Bước đầu các đối tượng thừa nhận đang trên đường đi đòi nợ bà M. và phải dùng đến “nghiệp vụ” khủng bố mới gây áp lực tinh thần đến…con nợ.
Tại CQĐT, Quốc (27 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) khai nhận là nhân viên thu hồi nợ tại nhà của FeCredit chi nhánh Tân Bình. Do nhiều năm qua, bà M. (ngụ quận 9) có vay của công ty 42 triệu đồng nhưng không thanh toán khoản vay theo thỏa thuận dù công ty nhiều lần yêu cầu trả nợ.
Tối 24/7, Quốc chuẩn bị 2 hũ sơn màu đỏ và 15 tờ rơi có nội dung như trên, sau đó Quốc rủ thêm 3 người bạn tham gia. Mục đích của Quốc là khi đến nhà bà M. sẽ dùng sơn đỏ giả máu tạt vào cửa, ném các tờ rơi để khủng bố tinh thần con nợ và người thân. Tuy nhiên vụ việc đã được CSHS phát hiện, ngăn chặn.
Cùng thời điểm này, đại diện FE Credit cho biết, vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức từ CQĐT. Tuy nhiên, nhận thấy hành vi của nhân viên Quốc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định công ty, có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu nên công ty đã tạm đình chỉ công tác cá nhân này và cả cấp trên trực tiếp quản lý nhân sự Quốc để chờ kết luận chính thức từ CQĐT.
Theo Cơ quan Thanh tra Giám sát (Ngân hàng Nhà nước), việc thanh tra đối với Cty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) đã được cơ quan này đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2018. Quá trình thanh tra FE Credit, cơ quan này sẽ xem xét các nội dung người tiêu dùng phản ánh để xử lý theo quy định. Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã có văn bản gửi Cơ quan Thanh tra Giám sát thông tin ghi nhận ý kiến phản ánh của người tiêu dùng liên quan tới FE Credit. |
"Còn tiếp"