Doanh nghiệp dệt may giữ nguồn lực lao động
Thông tin doanh nghiệp 15/09/2021 12:17
Cơ hội và thách thức đan xen
Ông Phạm Văn Việt, 60 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean thông tin, doanh nghiệp của ông đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. Đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm.
9 tháng năm 2021, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong ngành dệt may là hàng may mặc đạt 21,7 tỉ USD tăng 5% so với cùng kì năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kì 2019; xuất khẩu vải đạt 1,8 tỉ USD, tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỉ USD, tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%.
Công ty Việt Thắng Jean hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, với gần 600 công nhân, trong số đó có gần một nửa là NCT còn sức khỏe lao động. Doanh nghiệp hiện đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới, thông qua vận chuyển bằng máy bay. Hiện, Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Dù có đơn hàng dồi dào song một trong những khó khăn với doanh nghiệp là giá cả nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng cao. Dự kiến đầu tháng 11, Việt Thắng Jean sẽ tăng công suất hoạt động lên 80 - 90%. Song bài toán lớn nhất của công ty lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn.
Công nhân sản xuất may phải an toàn mới sản xuất. |
Theo ông Phạm Văn Việt, trước thời điểm TP Hồ Chí Minh xảy ra dịch, giá nguyên liệu bông, sợi đã tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Hiện Công ty Việt Thắng Jean tiếp tục nhận được bảng báo giá mới là tăng thêm khoảng 5 - 10% so với mức giá cũ.
Mặc dù nguyên phụ liệu tăng giá và chậm giao hàng, nhưng doanh nghiệp dệt may chưa thể tăng giá thành phẩm trong ngắn hạn. Ông cho rằng, khi thị trường mới phục hồi rất khó để tăng giá sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp tập trung tiết kiệm các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào. Về giá chắc chắn là tăng nên hoạt động của doanh nghiệp hiện nay phải tiết kiệm mọi định mức kĩ thuật.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các đối tác mua hàng đều thông cảm, tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất; chấp nhận cho kéo dài thời gian thực hiện các đơn hàng cũ và xúc tiến đơn hàng mới.
Việc vận chuyển nguyên liệu từ các nước trong đó có Trung Quốc, về Việt Nam gặp một số trở ngại nhất định nhưng các doanh nghiệp đang phối hợp với khách hàng để thúc đẩy từng bước. Giá nguyên liệu cũng đang nhích nhẹ, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nhưng chưa phải là vấn đề lớn.
Chăm lo đời sống công nhân để ổn định nguồn lực lao động
Nhìn chung, chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhưng mục tiêu, yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp là làm sao giữ ổn định lực lượng lao động để chuẩn bị cho năm sản xuất mới.
Sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân đang rất cần việc và thu nhập. Vì vậy, khi được trở lại làm việc, tinh thần người lao động khá tốt, những doanh nghiệp dệt may do người cao tuổi (NCT) làm chủ có năng suất cao hơn bình thường. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, áp lực cuộc sống đã khiến không ít người lao động và gia đình phải rời doanh nghiệp để về quê, chưa biết có quay trở lại làm việc hay không. Một số lao động có biểu hiện sang chấn tâm lí, ngại đi làm trở lại sau nhiều ngày “ở yên trong nhà” do giãn cách xã hội… Những điều này khiến cho việc giữ ổn định nguồn nhân lực lao động trong các doanh nghiệp càng trở nên cấp bách và cần có giải pháp đồng bộ.
Trước hết, các doanh nghiệp phải chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho công nhân, nhất là những doanh nghiệp có công nhân lao động cao tuổi để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Với gia đình công nhân, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương như Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội NCT, Hội CCB… tổ chức các hoạt động chăm sóc phù hợp, thiết thực, nhất là các gia đình có NCT, trẻ em, có người ốm đau, bệnh tật.
Doanh nghiệp cũng quan tâm đến đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất kịp thời hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng sau khi thế giới kiểm soát được đại dịch.
Sau đợt dịch bệnh vừa qua, có nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút. Các doanh nghiệp dệt may đang chuyển dần từ mô hình “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh”, tức là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh, để phù hợp với tình hình mới. Người lao động, NCT có tay nghề cao rất phấn khởi khi được trở lại nhà máy làm việc, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Doanh nghiệp cũng ý thức được việc này, nên hệ thống y tế tại chỗ được kích hoạt, sẵn sàng cho mọi tình huống. Trong các đơn vị sản xuất, các yếu tố về phòng chống dịch như mang đồ bảo hộ, giữ khoảng cách cũng được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Đây cũng là các yếu tố giúp người lao động yên tâm về điều kiện an toàn khi sản xuất để gắn bó với doanh nghiệp, bảo đảm nguồn lực lao động lâu dài, nhất là những cán bộ, công nhân là NCT, có tuổi nghề, uy tín, kinh nghiệm và kĩ thuật cao trong ngành dệt may.