Điềm Phùng Thị - một tấm lòng với Huế
Tuổi cao gương sáng 29/04/2018 09:13
Ấn tượng khởi đầu
Vào khoảng cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỉ trước quan hệ giữa Huế và Pháp được khởi động. Qua đó, những lần đến Pháp, đoàn lãnh đạo TP Huế có ông Nguyễn Văn Mễ lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu đã có dịp tiếp xúc với một số nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ việt kiều tại Paris. Tất cả những người bạn này về sau đó đã có những giúp đỡ, đóng góp thiết thực cho Huế về văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo từ thiện… Riêng bà Điềm Phùng Thị một điêu khắc gia nổi tiếng châu Âu muốn đưa những tác phẩm, những đứa con tinh thần của mình về Trưng bày và trao tặng cho Huế. Ý tưởng này được ủng hộ.
Sau đó, những lần về Huế bà đều đi tìm địa điểm, chọn vị trí và những ngôi nhà biệt thự kiến trúc Pháp để làm nơi trưng bày tác phẩm của mình. Với mắt nhìn nghệ sĩ, ngôi nhà số 1 Phan Bội Châu có sân vườn rộng, hai mặt tiền đã được bà chọn. Đây là trụ sở của phòng Giáo dục TP Huế lúc bấy giờ. Không ít tâm tư nhưng đều có chung mong muốn một công trình văn hóa nghệ thuật tầm cỡ cho Huế sẽ ra đời trên khu nhà đất này.
Nhiều cuộc họp, gặp gỡ trao đổi việc triển khai, có những lần chính bà Điềm Phùng Thị đã có mặt để trình bày tâm nguyện của mình, cũng gặp một số ý kiến trái chiều về vị trí địa điểm, Huế còn nhiều tác giả nổi tiếng khác sẽ bố trí thế nào? Hình thức tổ chức bộ máy? Nguồn lực duy trì hoạt động?... và một số ý kiến khác.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
Nhờ những tiếng nói đóng góp đầy quyết tâm và những khó khăn phải vượt qua, Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã được khánh thành vào tháng 2/1994, với 150 tác phẩm nghệ thuật điều khắc của bà riêng tặng cho Huế. Từ đó, ngôi nhà này trở thành một địa chỉ văn hóa mới lạ, hấp dẫn thu hút nhiều khách tham quan trong ngoài nước. Cũng tại đây, bà đã cho ra đời nhiều tác phẩm mới có giá trị. Bà còn tổ chức một lớp học giúp đỡ các cháu khuyết tật của Trường Tiểu học Vĩnh Ninh và các cháu ở nhà Thiếu nhi Huế tiếp cận với nghệ thuật ngôn ngữ tạo hình với tình cảm đầy yêu thương trìu mến.
Từ không gian nghệ thuật này bà có thêm những người bạn mới tâm huyết như các cặp ông bà Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Dương Đình Châu; các ông Trương Bé, Dương Đình Châu, Bửu Ý, Vĩnh Phối, Châu Trọng Ngô, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Văn Hối… Họa sĩ nhà điêu khắc Nguyễn Hiền ở Trường Đại học Mỹ thuật - Huế là người đã gắn bó nhiều năm vừa là học trò, vừa là người cộng tác đắc lực với bà trong sáng tác và trưng bày tác phẩm.
Đến năm 2007, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ trách nhiệm quản lí, khả năng đáp ứng nguồn kinh phí hoạt động… UBND TP Huế đã bàn giao Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị thuộc UBND tỉnh quản lí thông qua Sở VH,TT& DL trực tiếp điều hành các hoạt động.
Tác phẩm Hân hoan (chất liệu xi măng), được đặt trước cửa trong khuôn viên nhà trưng bày
Vài nét về Điềm Phùng Thị:
Bà Điềm Phùng Thị, tên thật là Phùng Thị Cúc sinh năm 1920 tại Huế. Quê cha ở Hà Tĩnh, mẹ gốc Huế. Cha là ông Phùng Duy Cần, một vị quan Triều Nguyễn. Điềm Phùng Thị thuở nhỏ học tiểu học ở Huế, học trung học ở trường Đồng Khánh. Từ năm 1941 - 1946, bà học Nha khoa ở Trường Đại học Y Hà Nội, nhận bằng tốt nghiệp khóa đầu tiên. Tiếp đó từ năm 1946 - 1948 bà theo phục vụ ngành y kháng chiến ở vùng tự do. Năm 1948, bà bị bệnh nặng phải sang Pháp chữa trị. Năm 1948, bệnh ổn định bà học tiếp Nha khoa - Đại học Pháp, tốt nghiệp BS Nha khoa năm 1954 và định cư tại Pháp từ đó. Bà xây dựng gia đình với BS Bửu Điềm, cái tên Điềm Phùng Thị khởi nguồn từ đó.
Bà bắt đầu đến với nghệ thuật điêu khắc từ năm 1959 với 7 “modul” do bà phát hiện đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ gỗ, đồng rất riêng mang đậm chất nữ tính và triết lí Phương Đông. Đến năm 1966, cuộc triển lãm điêu khắc đầu tiên của bà được tổ chức trên đất Pháp. Bức tượng “Mẹ con” là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của bà được Chính phủ Pháp mua và đặt tại một công viên trẻ em.
Liên tục các thập niên sau đó, cùng với độ chín của tài năng sáng tạo và sự trải nghiệm nghề nghiệp, tài nghệ điêu khắc của Điềm Phùng Thị luôn gặt hái những thành công mĩ mãn, tạo được vóc dáng của một nữ điêu khắc gia có vị thế đứng vững được giữa “đất thánh” của nghệ thuật điêu khắc giữa lòng châu Âu, có sức hấp dẫn, lay động và thuyết phục mạnh mẽ công chúng.
Với những thành công sau các lần triển lãm ở Pháp, các nước châu Âu, Điềm Phùng Thị đã được phong tặng là Viện sĩ Thông tấn Hàn lâm Viện khoa học, văn học nghệ thuật Châu Âu, được ghi trong từ điển Larouse: “Nghệ thuật thế kỉ XX từ điển tranh và tượng”.
Tuy thành công nghệ thuật trên xứ người, nhưng Điềm Phùng Thị luôn hướng về quê hương, muốn được cống hiến cho đất nước đã sinh ra mình. Và đến năm 1978 bà đã được thực hiện một chuyển trở về đầy ấn tượng ngay tại Thủ đô Hà Nội, là một trong những người Việt Nam đầu tiên mang quốc tịch nước ngoài trở về quê hương sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975.
Trở lại Pháp với bao nhiêu ấp ủ dự định, đến năm 1993 bà đã thực hiện một chuyến trở về khác tại Huế. Kết quả chuyến trở về này là chuẩn bị cho sự hình thành và ra đời của Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị khai trương vào tháng 2/1994. Sau đó bà đã bắt tay ngay vào việc tiếp tục sáng tác mặc dù tuổi đã cao với tâm nguyện “Nước non nặng một mối tình/ trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi”!
Những ngày cuối đời
Những ngày tháng 1/2002, bà lâm bệnh nặng, nhưng vẫn chu đáo bàn giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị của bà được chuyển từ Pháp về. Tất cả những tác phẩm đó góp phần làm phong phú, tăng thêm chất lượng nghệ thuật của Nhà Trưng bày, Nhà thơ Tố Hữu đã đánh giá … “Tôi thật bàng hoàng mà nhận những cảm xúc vừa trừu tượng, vừa cụ thể về cuộc sống và những con người với muôn ngàn vẻ đẹp kì diệu của một nghệ thuật, vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính nhân loại cả Đông và Tây…” và nhiều ý kiến đánh giá khác rất đáng trân trọng của lãnh đạo, của khách tham quan trong ngoài nước.
Bà Điềm Phùng Thị mất ngày 19/1/2002 tại tầng 2 Nhà trưng bày. Có thể nói sự nghiệp nghệ thuật của bà được ghi dấu với thời gian hữu hạn, nhưng sẽ tồn tại lâu bền với thời gian. Thế hệ sau sẽ giữ gìn cẩn trọng, chu đáo tất cả những gì mà bà đã trao tặng để lại vì đó không chỉ là tấm lòng của bà đối với quê hương mà còn là tài sản vô giá của Quốc gia
Nguyễn Cương