Dịch vụ thanh toán mang lại nguồn lợi nhuận thế nào cho ngân hàng?
Đầu tư - Tài chính 02/06/2019 01:49
Khi tín dụng được phân hạn mức nhất định, các nhà băng phải tìm kiếm thêm các nguồn thu mới để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng. Trong đó, hoạt động dịch vụ thanh toán trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, dự kiến sắp tới nguồn thu từ hoạt động này còn tiếp tục tăng mạnh.
Thu nhập từ dịch vụ thanh toán ngày càng gia tăng
Riêng trong quý 12019, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, tại một số ngân hàng, mức tăng trưởng từ hoạt động này còn cao hơn nhiều mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Thu lớn nhất từ hoạt động này vẫn là Vietcombank. Trong quý đầu năm, VCB thu về hơn nghìn tỷ từ hoạt động dịch vụ, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xét về mức độ tăng trưởng, nhiều ngân hàng khác có mức tăng khá cao như Bắc Á Bank (467%), TPB (190%), VIB (167%), MBB kỳ này cũng tăng tới 140%.
Tại mỗi ngân hàng, dịch vụ thanh toán lại chiếm một tỷ trọng khác nhau.
Trong số 23 ngân hàng thương mại cổ phần được thống kê, trong năm 2018, có 5 nhà băng có thu nhập từ dịch vụ thanh toán chiếm trên 50% thu nhập từ hoạt động dịch vụ, bao gồm Eximbank (82%), Maritimebank (78%) VietBank (66,4%), Vietcombank (65%) và ACB (53%). Tuy nhiên về giá trị tuyệt đối, nguồn thu này tại VietBank khá thấp so với mặt bằng chung, năm 2018 chỉ đưa về được 21 tỷ đồng.
Nổi bật trong số này là VCB khi ngân hàng này luôn là đơn vị có thu nhập từ hoạt động dịch vụ nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, cùng với đó dịch vụ thanh toán cũng đóng góp lớn nhất trong hoạt động này. Cụ thể, năm 2018, dịch vụ thanh toán mang lại thu nhập hơn 4.590 tỷ đồng cho VCB, lợi nhuận thuần hoạt động này đạt hơn 1.683 tỷ.
Trong khi đó, cũng thuộc top 5 những ngân hàng có thu nhập hoạt động dịch vụ lớn nhất năm 2018, song tại MBB, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ thanh toán lại chỉ đóng góp 12,5%, tỷ trọng này thậm chí còn giảm hơn so với năm 2017 (17%).
Bù lại, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 50% thu nhập hoạt động dịch vụ của MBB. MBB cũng là ngân hàng có biên lợi nhuận về dịch vụ thanh toán lớn nhất ngành, đạt trên 90,6% năm 2018.
Tuy nhiên, các con số thống kê cũng cho thấy, tuy thu nhập từ dịch vụ thanh toán đã tăng trưởng khá nhanh trong năm 2018, có ngân hàng tăng đến 114% như TPB song mặt bằng biên lợi nhuận có phần giảm bớt, cho thấy các ngân hàng ngoài thu nhập cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng chi phí nhằm cải thiện dịch vụ thanh toán.
Cụ thể, năm 2018, 23 ngân hàng được thống kê đưa về hơn 18.265 tỷ đồng thu nhập dịch vụ thanh toán, tăng 32% so với năm 2017, trong khi đó biên lợi nhuận trung bình đã giảm khoảng 3-4 điểm phần trăm so với năm trước đó. Tuy vậy, biên lợi nhuận thuần của hoạt động này vẫn ở mức cao theo mặt bằng chung, đạt trên 55%.
Mảnh đất nhiều tiềm năng
Với những động thái thắt chặt tiền tệ hơn của Ngân hàng Nhà nước, thu nhập từ các hoạt động phi truyền thống ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với các ngân hàng.
Theo đánh giá của BSC, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20-30% trong năm 2019 nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân cũng như khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng như bancassurance, trái phiếu,…
Đối với hoạt động dịch vụ nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng, các ngân hàng cũng lên các chiến lược riêng để cải thiện mạnh mẽ hơn thu nhập từ hoạt động này về phát triển ngân hàng số, ứng dụng công nghệ,…
Mới đây nhất, ngày 28/5 vừa qua, 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Điều này dẫn tới phát sinh chi phí chuyển đổi, đặc biệt đối với các ngân hàng có số lượng thẻ lớn và trước mắt, các ngân hàng về cơ bản sẽ miễn phí chuyển đổi cho các chủ thẻ hiện tại, tuy nhiên theo từng giai đoạn, các ngân hàng cũng sẽ xem xét việc thu phí phát hành thẻ mới đối với khách hàng.
Việc chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.
Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM. Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc.