Đi tìm người cắm cờ trên chốt Mỹ
Sự kiện 30/04/2023 11:00
Ngày 1/3/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên lệnh cho Sư đoàn 968 đánh trận đầu của chiến dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm nghi binh, thu hút phần lớn binh lực địch lên Bắc Tây Nguyên, tạo thuận lợi để ta đánh chắc thắng ở Buôn Ma Thuột mà lực lượng đỡ bị tổn thất.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 968 về thăm sân bay Phù Cát (Bình Định), nơi họ đã đánh chiếm ngày 1/4/1975. |
Đúng 16 giờ ngày hôm đó, pháo của ta đồng loạt bắn vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Sở Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ pháo binh của chúng ở Hòn Rồng, Bầu Cạn. Tại Chốt Mỹ, pháo ta dồn dập nhả đạn trùm lên cứ điểm. Sau 30 phút bắn phá, pháo ta chuyển làn, bộ binh lập tức tấn công vào các mục tiêu đã định. Địch dựa vào hệ thống hầm hào kiên cố, chống cự quyết liệt hòng đẩy lùi các đợt tấn công của ta... Sau một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm chốt Mỹ và cắm lá cờ Giải phóng, biểu tượng của chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của căn cứ này.
Thời gian trôi đi. Bỗng đầu năm 2020, các cựu chiến binh của Sư đoàn 968 ở Hà Tĩnh đề nghị Ban Liên lạc Truyền thống của Sư đoàn tại Hà Nội cho biết người cắm cờ trên chốt Mỹ ngày đó là ai, hiện ở đâu, để các anh tổ chức gặp gỡ và tôn vinh người đồng đội đó.
Để đáp ứng yêu cầu chính đáng ấy, Ban liên lạc chúng tôi lục tìm trong cuốn "Lịch sử Sư đoàn bộ binh 968" do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2008. Tại trang 167 đã ghi công Trung đội trưởng Phan Văn Láy thuộc C6- D2- E19 "cắm cờ lên trung tâm chỉ huy của cứ điểm địch". Tuy nhiên, tiếp tục xem các bức ảnh tư liệu ở trong tập sách này, chúng tôi lại phát hiện có tấm ảnh một chiến sĩ cầm cờ đang xông lên, được chú thích là "Chiến sĩ Lê Văn Phương C6 E19 cắm cờ Giải phóng trên chốt Mỹ".
Một câu hỏi được đặt ra: Vậy trong hai người của C6 D2 thì ai là người cắm cờ, Phương hay Láy?
Câu chuyện lại có tình tiết mới khi chúng tôi liên hệ với các cựu chiến binh của Đại đội 6 năm đó, đại tá Trương Quang Thành và đại tá Phạm Văn Bốn (lúc đó đều là cán bộ trung đội) cho biết, các mũi tấn công của C6- D2- E19 đánh hướng chính diện gặp khó khăn, không vào được mục tiêu là chốt Mỹ. Trong khi đó, hướng C11D3 E19 phát triển thuận lợi hơn, đã tiêu diệt binh lực địch và đánh chiếm căn cứ. Bọn địch còn lại tháo chạy. C6- D2 lập tức tổ chức truy kích và đánh chiếm mục tiêu thứ 2 là Đồn Tầm, nơi đặt Sở chỉ huy nhẹ của tiểu đoàn 67 Biệt động quân nguỵ. Như vậy là C6 không vào căn cứ chốt Mỹ và đương nhiên người cắm cờ trên chốt Mỹ không phải là người của C6-D2, mà người cắm cờ phải là người của C11-D3.
Vậy người đó là ai?
Câu hỏi này được chúng tôi trưng cầu trên Trang facebook “Cựu chiến binh Sư đoàn 968 Anh hùng”. Sau đó, chúng tôi nhận được nhiều thông tin phản hồi, trong đó có tin của cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạnh, nguyên là cán bộ Trung đội của C16 thông tin, Trung đoàn 19. Anh cho biết: “Nếu tôi nhớ không nhầm, người đó tên là Cương, trước cùng học Trường Quân chính Sư đoàn với tôi. Vì thành tích đó mà tháng 6/1975, Cương được ra Hà Nội tham gia duyệt binh mừng chiến thắng. Hình như Cương là lính Nam Hà...”.
Từ thông tin này, chúng tôi lập tức liên hệ với các cựu chiến binh Trung đoàn 19, Sư 968 ở tỉnh Nam Định. Ít lâu sau, chúng tôi nhận được xác minh của đại uý cựu chiến binh Cồ Khắc Cải từ các đồng đội C11-D3 tỉnh Nam Định: Người cắm cờ trên chốt Mỹ ngày 1/3/1975 là A trưởng Phạm Biên Cương; quê quán: Thôn Hành Thiện, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; nhập ngũ năm 1972, phục viên năm 1976. Sau khi phục viên, anh tham gia công tác ở địa phương. Tiếc thay, anh đã mất cách đây 4 năm do bạo bệnh.
Trận đánh chốt Mỹ năm 1975 chỉ là một trong vô vàn trận đánh của Quân đội ta trong 3 cuộc chiến tranh chống xâm lược của thế kỉ XX. Tuy nhiên, là niềm tự hào của Sư đoàn 968, vì trận thắng này có ý nghĩa châm ngòi cho những trận đánh tiếp theo của chiến dịch Tây Nguyên. Mà chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975 như một chương mở đầu của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đem lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc.
Và chúng tôi đã tìm ra sự thật để trả lại tên cho anh - Phạm Biên Cương, người cắm cờ trong trận đánh lịch sử của Sư đoàn năm ấy.