Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vẫn tồn tại nhiều bất cập cần phải sớm giải quyết
Sự kiện 23/02/2024 07:39
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thông qua điểm cầu của UBND các tỉnh, thành phố, với sự tham gia dự của lãnh đạo Ủy Ban kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các Sở Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường…các Hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường BĐS cân đối trong cơ cấu sản phẩm BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Với chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các Bộ ngành Trung ương và đặc biệt là các địa phương, kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đến nay đã đạt được những dấu mốc quan trọng, đó là: Về xây dựng chính sách: Trong năm 2023, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Đất đai sửa đổi cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các chính sách mới này, cùng với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. |
Về thực tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ (trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn).
Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng: hiện nay đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 06 dự án nhà ở xã hội tại 05 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Đại diện doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Chúng ta đều mong muốn, kỳ vọng vào một kết quả tích cực trong việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội” trong thời gian tới, nhất là qua những dấu mốc đạt được vừa qua. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể là: Còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ trì là Sở Xây dựng, rà soát lại các dự án NƠXH dành cho công nhân, đối tượng thu nhập thấp. |
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Trong năm 2024, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Đây cũng là yêu cầu và mục tiêu rất cao, đòi hỏi các Bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ Đề án đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Những hạn chế, tồn tại, thách thức trên đây rất cần được phân tích, đánh giá từ các địa phương, các doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư nhà ở xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp và các Ngân hàng tham gia Hội nghị ngày hôm nay. Hội nghị mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắng, trách nhiệm và các kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện từ các đồng chí, các vị đại biểu và đại diện các cơ quan trung ương và địa phương để chúng ta có thể cùng nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện nhất tình hình triển khai Đề án thời gian qua, đề ra giải pháp làm cơ sở để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một các hiệu quả các nhiệm vụ của mình, kịp thời điều chỉnh chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện Đề án trong thời gian tới.