Đâu rồi sạp báo vỉa hè!
Xã hội 27/07/2023 08:57
Sôi động thị trường báo chí
TP Đà Nẵng chỉ kém cạnh Sài Gòn, Hà Nội về tòa soạn báo chứ văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các báo, tạp chí trung ương và hệ thống phát hành báo, có thể nói xếp trong tốp 3. Nhiều tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Người Lao động... đều đặt in tại Đà Nẵng, không phải chờ từ tòa soạn trong Sài Gòn gửi ra theo đường máy bay như trước kia. Tin bài khá là... nóng hổi. Từng có văn phòng đại diện báo trang bị cả ô tô vận chuyển báo in từ Đà Nẵng sang phân phối các tỉnh lân cận trong sáng sớm. Sau này nhiều xí nghiệp in, công ty in nhận đặt in báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an... như ở Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Có lúc in vài nghìn tờ là bị từ chối, phải cả vạn trở lên kia!
Bà L (65 tuổi) bán báo hơn 20 năm trên vỉa hè đường Hàm Nghi kể, bà bỏ nghề bán băng đĩa chuyển sang bán báo lẻ vì thấy có thu nhập khá hơn. Mỗi ngày bán được vài trăm tờ. Vợ chồng bà có quầy bán báo cạnh bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung. Chung quanh khu vực ấy có đến 6 quầy báo, sạp báo dọc các đường Hàm Nghi, Tô Ngọc Vân và Đỗ Quang.
Bán báo kèm bán sách, bán bảo hiểm xe máy... |
Khi chuẩn bị cho sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, thành phố chủ trương chỉnh trang lại nhiều vỉa hè khu vực trên địa bàn. Các quầy báo ở đây tạm thời di dời nơi khác. Đến nay chỉ còn 2 sạp trên đường Hàm Nghi. Từng có một thời không đủ báo để bán, sôi động nhất là vào dịp tranh các giải cúp châu Âu, World cup. Chủ sạp báo... sáng tạo, linh động photocopy trang đầu, trang cuối, có in lịch thi đấu và kết quả, nhưng bán giá như cả tờ báo! Có sạp báo lẻ nhận báo từ đại lí rồi làm đại lí cấp 2, phân phối lại cho người bán báo dạo, bán vé số kèm bán báo. Các quầy báo, sạp báo kèm bán sách, truyện thiếu nhi cứ san sát nhau trên vỉa hè các đường Bạch Đằng, Hàm Nghi, Lê Duẩn... lúc nào cũng có khách tới lui.
Cách nay 20 năm, mỗi ngày bà M trên đường Trưng Nữ Vương bán 700-800 tờ báo, tạp chí; ông T bán quầy báo trên đường Lê Độ với nhiều loại báo, tạp chí, truyện dành cho thiếu niên nhi đồng, cả ngày 500 - 600 tờ bán... vèo vèo. Cuối năm, văn phòng đại diện mấy tờ báo lớn còn tổ chức gặp mặt ăn uống, tặng quà cho những người bán báo lẻ, xem họ như các phát hành viên của báo; tặng quà cho ai có con học giỏi...
Ngày ấy đâu rồi?
Ngày ấy đã qua! Bây giờ tìm đỏ mắt chưa chắc Đà Nẵng còn chục cái sạp báo vỉa hè! Điện thoại thông minh xuất hiện, các sạp báo lép vế dần. Một thời... độc quyền mình một cõi nhưng... đã dần sa sút! Nay chỉ dựa vào sạp báo để đủ sống thì khó vô cùng! Bởi vậy, sạp báo muốn tồn tại không chỉ bán báo mà còn kèm bán xăng lẻ, bán khẩu trang, cả nhang đèn, hàng mã, khăn trùm mặt chống nắng... Ông T nói như than: “Hồi trước, ngày bán mấy trăm tờ báo kèm Tạp chí Văn nghệ quân đội, Thời trang trẻ, Tiếp thị gia đình, là đủ nhịp nhịp uống cà phê. Trước báo Thể thao, Bóng đá bán ngày 200 tờ, chừ 10 tờ bán không trôi. Chỉ có báo Người Lao động còn trả lại được chứ các báo khác đã “mua đứt bán đoạn” là mình ôm, dành cả đống bán giấy vụn. Nên chi nhận báo bán cũng chừng chừng chứ không thôi lỗ sặc gạch!”.
Người cao tuổi trung thành với báo giấy |
Mẹ tôi lúc sinh thời, ngoài 80 tuổi cụ vẫn hằng ngày đi bộ ra bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, ở đó có mấy sạp báo để mua các loại báo An ninh, Pháp luật và các tờ chuyên đề đời sống - pháp luật về đọc. Đã xấp xỉ 90 nhưng cụ vẫn giữ thói quen đọc báo giấy và uống cà phê ngày hai cữ! Sau này, ngoài chín mươi tuổi, tôi đưa cụ vào Hội An để tiện chăm sóc. Mỗi khi tôi từ Đà Nẵng vào, câu đầu tiên cụ hỏi là: “Con có đem báo vô cho mẹ không?” Khi tôi lôi ra một xấp báo, mắt bà sáng rỡ!
Do đặc thù công việc, tôi từng đến nhiều nơi công tác, vào tận phòng làm việc của nhiều quan chức lãnh đạo huyện, tỉnh. Thấy cả chồng báo, tạp chí còn xếp ngay ngắn trên góc bàn và cả dưới chân bàn. Hỏi thì được các vị cho biết, là không có thời gian đọc, chỉ nội cái đi họp thôi cũng hết ngày!
Không dễ gì “tuyệt chủng”!
Sạp báo cũng vắng thưa thì người bán báo dạo cũng... “giã từ dĩ vãng”. Người bán báo sạp cũng hầu hết là người cao tuổi. Ông B (72 tuổi) quê Quảng Ngãi, bán vé số dạo đã gần 20 năm kể: “Trước kia bán vé số có kèm theo bán báo Công an Đà Nẵng, báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Bóng đá... nhưng đến năm 2005 thì ôm miết nên bỏ bán kèm luôn!”. Bà H, chủ sạp báo vỉa hè đường Hàm Nghi... động viên tôi và một ông khách tuổi gần bảy mươi: “Mấy anh tranh thủ đọc đi nghe! Ba cái loại báo giấy ni càng ngày càng ít rồi đó! Bọn trẻ bán báo lẻ bỏ nghề hết, chỉ còn bọn già như tui mới bám vỉa hè. Ngày kiếm vài chục nghìn đồng cho vui thôi”.
Tình cảnh này đâu chỉ có mỗi Đà Nẵng! Hôm vào Sài Gòn, trên đường ra sân bay tôi hỏi anh lái xe taxi sao dạo này ít thấy sạp báo vỉa hè, anh cười thật to: “Bán chi báo giấy nữa chú? Chừ ai cũng có điện thoại hết. Tin gì cũng có, lại có rất sớm. Báo chỉ in cho các cơ quan, đoàn thể nhà nước đọc thôi! Thật ra báo điện tử bây giờ cũng trời ơi nhiều, nhất là đưa tin chưa đúng với lại sai sót tùm lum rồi gỡ bỏ. Báo giấy in chắc cú nên chính xác, đáng tin hơn”.
Nhớ hôm cuối tuần, đầu tháng 6/2023 ở Sài Gòn, tôi có việc cần mua tờ báo, bèn gọi xe ôm chở đi tìm. Cậu chạy xe ôm chở tôi đến ga Sài Gòn. Hỏi một cô nhân viên bán hàng, cô ta nói làm gì còn báo giấy nữa chú?! Ra phía ngoài nhà ga hỏi một bác xe ôm. May quá, bác ta chỉ đến đường Trần Văn Đang, quận 3. Ông N.Q.H gần 70 tuổi, chủ sạp báo kể với tôi: “Trước kia tôi còn đi giao báo cho các quán cà phê, nhà riêng nữa! Sạp thì chất báo dày lên kìa, ngày bán mấy trăm tờ. Báo nào cũng có kèm cả tập quảng cáo. Bây giờ thì sạp báo... lèo tèo vậy đó! Quanh quanh đây có vài sạp báo trên đường Lý Chính Thắng, Trần Quốc Thảo, Lê Văn Sỹ, Kỳ Đồng...”.
Chỉ có mấy người lớn tuổi không đọc báo mạng trên điện thoại, máy tính vì nhức mắt, đau đầu mới trung thành với báo giấy. Nghĩ cũng đúng phần nào và thực tế đã chứng minh rằng đã ít dần người đọc báo giấy. Tuy vắng sạp báo vỉa hè nhưng không có nghĩa là hết thời của báo giấy! Tôi vẫn tin rằng báo giấy không thể “chết”, chỉ thấy sạp báo vỉa hè bị quán nhậu bình dân, quán nướng vỉa hè... lấn lướt điền vào chỗ trống. Nói vui là bây giờ “văn hóa ẩm thực... ăn đứt... văn hóa đọc”!