Cụ Trần Trọng Sâm - một dịch giả “trung văn” có tầm
Tuổi cao gương sáng 14/09/2023 09:20
Nhà báo Minh Hường khái quát về cuộc đời rất đỗi bình dị của cụ Trần Trọng Sâm, đó là: Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học, 15 tuổi, Trần Trọng Sâm được chọn tham gia các lớp học để xây dựng lực lượng, sẵn sàng điều động phục vụ kháng chiến và sau khi Hà Nội được giải phóng, Trần Trọng Sâm là thành viên của lực lượng thanh niên xung phong tiếp quản thủ đô.
Do có tố chất, năng lực và nhiệt huyết tuổi trẻ, nên năm 1955, Trần Trọng Sâm được cử đi học ở Trung Quốc, chuyên ngành Trung văn tại trường Đại học Bắc Kinh và chuyên ngành Kinh tế Kế hoạch tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Năm 1958, về nước, Trần Trọng Sâm công tác tại Nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Nông trường Thanh Bình (Mường Khương, Lào Cai) và Nông trường Trần Phú (Nghĩa Lộ, Yên Bái). Ở đâu, Trần Trọng Sâm cũng đức độ, phát huy năng lực, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dịch giả Trần Trọng Sâm (phía trái) thân tình trò chuyện về dịch thuật. |
Năm 1983, nghỉ hưu theo chế độ, cụ Sâm cùng vợ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con ăn học, trưởng thành.
Bước ngoặt đưa cụ Sâm trở thành dịch giả Trung văn nổi tiếng là vào năm 1993, trong buổi họp mặt bạn đồng môn học ở Trung Quốc năm xưa tại Hà Nội, cụ cùng bạn bè trò chuyện, trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề và năm đó, cụ đã đoạt giải Nhất tiết mục thi dịch một bài báo từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Cảm phục tài năng của cụ, mọi người mời cụ tham gia nghiên cứu, dịch sách tiếng Trung và cụ Sâm đã nhận lời…
Đến nay, qua gần 3 thập kỉ, cụ Sâm đã dịch gần 30 cuốn sách từ tiếng Trung sang tiếng Việt, nội dung đa dạng về các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, chủ đề tam nông, triết lí nhân sinh, văn sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, những vấn đề về thanh niên…
Một trong những bản dịch ấn tượng của cụ Trần Trọng Sâm là “Đường thi - Luận giải và thưởng thức”. Nhà văn Bùi Việt Thắng nể phục, nhận xét: Cụ Trần Trọng Sâm là “Người nối nhịp cầu văn hóa”, “Các phương pháp tiếp cận Đường thi từ cái nhìn hiện đại”, “Các phương pháp tương hỗ tiếp cận kho tàng Đường thi”, “Dịch là sáng tạo”… Đồng thời khẳng định: “Dịch giả Trần Trọng Sâm, nếu có thể nói, là một người chạy tiếp sức, có nhiều đóng góp vào quá trình giao lưu văn hóa - qua nhịp cầu văn học - hai đất nước Trung Hoa và Việt Nam trong vòng vài chục năm gần đây. Ông là tác giả của các công trình dịch thuật được văn giới đánh giá cao như “Kinh dịch diễn giải - Đạo lí mưu cầu tồn tại và phát triển”, “Khuất Nguyên”; đặc biệt là hai trước tác của Lý Xương Bình: “Tôi nói thật với Thủ tướng”, “Tôi nói thật với Nhân dân”… Đáng khâm phục hơn là tấm gương lao động kiên nhẫn, dẫu ở tuổi cửu thập “cổ lai hi”, dịch giả Trần Trọng Sâm vẫn “cháy hết mình”.
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh đầy lòng kính trọng: “Ở tuổi Cửu thập cổ lai hi, dịch giả Trần Trọng Sâm chỉ có một mong muốn duy nhất là góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn, cách cảm, ngõ hầu có thể giúp bạn đọc, người yêu thơ Đường thêm hiểu chính xác, thêm cảm nhận đầy đủ, thấu suốt hơn, trọn vẹn hơn những hàm nghĩa súc tích, sâu xa, những “ý tại ngôn ngoại”… trong từng con chữ, câu, tứ, điển cổ, tích truyện…”.
Hình ảnh cụ già đang chạm ngưỡng “bách niên” tóc trắng như mây, khuôn mặt tròn phúc hậu, da hồng hào vẫn cầm kính lúp nghiên cứu Trung văn đẹp như tiên ông, luôn đầy ắp trí tuệ, thật kính nể và trân quý biết bao.