Công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1
Giáo dục 23/11/2019 07:05
38/49 mẫu SGK được đánh giá “đạt”
Tại buổi họp báo, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định gồm: Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam; NXB Đại học Sư phạm; NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh với tổng số có 49 bản mẫu SGK của 9 môn học ở lớp1.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu SGK theo quy định tại Thông tư 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu và kết luận theo 3 mức: Đạt, Không đạt; Đạt nhưng cần sửa chữa. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,7%) được đánh giá “Đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/ hoạt động giáo dục (22,3%) đánh giá “Không đạt”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo. |
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hầu hết các tác giả có bản mẫu SGK xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng gửi đơn thông qua NXB đề nghị Bộ được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định và tiếp tục quy trình thẩm định lại. Bộ sẽ tổ chức thẩm định lại các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12-2019.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, còn 6 SGK môn Tiếng Anh vì sao Bộ không công bố trong đợt này, ông Thái Văn Tài cho biết: “6 cuốn sách Tiếng Anh chưa công bố lần này do đây là SGK tự chọn. Sau khi công bố môn học bắt buộc, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục công bố SGK các môn tự chọn cùng với các SGK chưa đạt sẽ được thẩm định lại”.
Liên quan đến việc có 24/32 SGK lớp 1 vượt qua vòng thẩm định lần này thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam (8 SGK còn lại thuộc NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), phải chăng tính độc quyền trong xuất bản SGK vẫn chưa được phá vỡ như kỳ vọng?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng: Là đơn vị có kinh nghiệm và tiềm lực trong việc biên soạn và xuất bản SGK nên ưu thế nghiêng về NXB Giáo dục Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Còn theo ông Thái Văn Tài, cái được lớn nhất trong việc biên soạn chương trình SGK mới lần này là từ chỗ 1 bộ sách duy nhất, chúng ta đã có 4-5 bộ sách khác nhau cho từng môn học với sự tham gia biên soạn của các nhóm tác giả khác nhau.
Thông tin thêm về quy trình thẩm định, ông Thái Văn Tài cho biết: Trong các Hội đồng thẩm định có 1/3 là giáo viên, trải dài khắp cả nước. Riêng môn Tiếng Việt, số giáo viên vượt hơn 1/3. Về thực nghiệm sách đều đã được thể hiện rõ trong hồ sơ thực nghiệm. Đây là trách nhiệm của tác giả và các NXB.
UBND các tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn SGK
Việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (SGK giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT".
Vậy làm gì để ngăn ngừa nguy cơ lựa chọn sách không công bằng, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí đặt ra tại cuộc họp báo.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay: “Về nguyên tắc, các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường. Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện luật. Căn cứ vào đó, UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn sách để sử dụng tại địa phương”.
Tại các địa phương, việc lựa chọn SGK tùy thuộc vào từng môn học. Về việc SGK lựa chọn để dùng chung trong các nhà trường, ông Thành cho rằng, trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị SGK dùng chung nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh trong việc dạy học.
Cũng theo ông Thành, trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.
“Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương. Hiện nay, dự thảo Thông tư lựa chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới”- ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về liên quan đến việc xuất bản SGK điện tử để thuận lợi cho giáo viên và học sinh tham khảo và giá bán SGK mới, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với chế bản điện tử, do SGK liên quan đến một số luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Xuất bản nên bản quyền thuộc về tác giả và các NXB.
Việc đa dạng hóa các cuốn SGK sẽ giúp học sinh phát triển năng lực và phẩm chất tốt hơn. |
Về vấn đề giá bán SGK mới, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT cho rằng: Do SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng với hàng chục triệu gia đình trên cả nước, do đó Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế phối hợp, cố gắng để làm sao việc tăng giá SGK nếu có cũng sẽ không gây đột biến.